Thay vì cài đặt lung tung, người dùng chỉ nên chọn lọc những ứng dụng cần thiết để tránh tình trạng bị đầy bộ nhớ, khiến máy hoạt động chậm chạp và phát sinh những lỗi không rõ nguồn gốc.
1. Mạng xã hội
Facebook là một ứng dụng không thể thiếu đối với nhiều người dùng hiện nay, bên cạnh đó còn có Twitter, Instagram, Google+ (ứng dụng này đã được tích hợp sẵn với Android nên người dùng không cần cài đặt) và rất nhiều trang mạng xã hội khác. Lưu ý, nếu điện thoại có cấu hình không cao, bạn chỉ cần cài đặt phiên bản Facebook Lite là đã có thể đáp ứng tốt các nhu cầu cơ bản.
|
Ảnh minh họa. |
2. Lưu trữ đám mây
Nếu thiết bị có dung lượng quá thấp (8-16 GB), bạn nên cài đặt thêm các ứng dụng lưu trữ đám mây như Dropbox, Box, OneDrive hay Google Drive (được tích hợp sẵn với Android), các ứng dụng dạng này thường cung cấp một khoản dung lượng miễn phí để người dùng lưu trữ dữ liệu.
3. Văn phòng
WPS Office là ứng dụng chỉnh sửa văn bản khá phổ biến trên smartphone và máy tính, có kích thước tương đối nhỏ (chỉ khoảng 35 MB) và hỗ trợ hầu hết các định dạng tài liệu như .Doc, .Docx, .Xls, .Ppt, .Pdf…
Hiện tại, WPS Office đang được cung cấp miễn phí trên Google Play và App Store, nếu muốn mở rộng tính năng và thêm tùy chọn lưu trữ đám mây, người dùng cần phải nâng cấp lên phiên bản trả phí. Giao diện của WPS khá đơn giản và không chứa quảng cáo, bạn có thể mở, tạo và thậm chí quét/trích xuất nội dung bên trong tài liệu (văn bản, bảng tính, thuyết trình và tập tin PDF) dễ dàng, đồng thời tạo các thông báo nhắc nhở những nội dung quan trọng.
4. TrueCaller
Hẳn là bạn sẽ cảm thấy rất phiền phức khi mỗi ngày phải nhận hàng chục cuộc gọi từ các số điện thoại lạ chỉ để nghe tư vấn bán hàng, bảo hiểm, bán SIM, nhà đất... Làm thế nào để ngăn chặn triệt để tình trạng trên?
Đầu tiên, bạn hãy cài đặt TrueCaller trên Google Play, sau đó đăng ký một tài khoản miễn phí để bắt đầu sử dụng. Ngoài tính năng chặn cuộc gọi thông thường, TrueCaller còn cho phép người dùng tìm kiếm danh tính của người đứng sau số điện thoại quấy rối khá dễ dàng.
Tại giao diện chính, bạn hãy chuyển sang thẻ Tìm kiếm, nhập số điện thoại cần tìm vào khung trống và chờ một lát để kết quả trả về. Theo thử nghiệm của người viết, với cơ sở dữ liệu hơn 2 tỉ số điện thoại, đa phần TrueCaller đều có thể tìm được các thông tin liên quan bao gồm họ tên, vị trí, thời gian xuất hiện, email… Bên cạnh đó, trong thẻ chặn còn có sẵn một danh sách các số điện thoại chuyên đi quấy rối được người dùng báo cáo lại.
5. Send Anywhere
Send Anywhere hỗ trợ người dùng chuyển dữ liệu từ smartphone sang laptop, smartphone sang smartphone hoặc laptop sang laptop mà không cần cáp kết nối. Mọi thứ đều được thực hiện thông qua WiFi hoặc 3G/4G, giúp tiết kiệm thời gian hơn so với cách thông thường.
Xem thêm: Chuyển dữ liệu từ smartphone sang laptop không cần cáp - Send Anywhere cho phép người dùng chuyển dữ liệu qua lại giữa smartphone và máy tính hoặc ngược lại mà không cần phải dùng đến cáp kết nối, giúp tiết kiệm thời gian hơn so với cách thông thường.
6. Camera ZOOM FX
Camera mặc định thường không được trang bị nhiều tính năng, thay vào đó, người dùng nên cài đặt thêm các tiện ích của bên thứ ba như Camera ZOOM FX. Ứng dụng cho phép bạn thiết lập tốc độ màn trập, âm thanh, màn hình cảm ứng... và giúp những người dùng mới hiểu hơn về nhiếp ảnh.
7. LastPass
Nếu có quá nhiều tài khoản, hẳn là đôi lúc chúng ta sẽ không thể nào nhớ hết được mật khẩu. Lúc này, LastPass sẽ là giải pháp đơn giản nhất để người dùng quản lý tên đăng nhập, mật khẩu cùng các thông tin liên quan chỉ trong một giao diện duy nhất.
Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết cho nhiều người cùng biết hoặc để lại bình luận khi gặp rắc rối trong quá trình sử dụng.
Theo Minh Hoàng/PLO