Theo đề xuất, hàng hóa xuất khẩu từ một nhà máy của công ty nước ngoài đặt tại Ấn Độ sẽ được tính là nguồn cung ứng trong nước. Thời gian cần thiết để đạt tiêu chí nguồn cung trong nước sẽ tăng lên 8 năm thay vì 5 năm.
Theo Bloomberg, thay đổi được Bộ Công thương Ấn Độ đề xuất và sẽ sớm được nội các nước này thông qua.
Theo chính sách hiện tại, công ty nước ngoài cần sử dụng ít nhất 30% linh kiện tại Ấn Độ mới được bán sản phẩm tại đây kèm các ưu đãi về thuế. Quy định đã khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu, trong đó có Apple và đặc biệt là iPhone của Trung Quốc.
|
Thay đổi mới được Bộ Công thương Ấn Độ đề xuất có thể giúp Apple hưởng lợi. Ảnh: Bloomberg.
|
Trong thời gian qua, Apple đã đàm phán với các quan chức Ấn Độ để thâm nhập thị trường smartphone sôi động nhất thế giới, với mục đích tăng thị thần trong bối cảnh hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc suy giảm.
Hiện Apple chiếm thị phần rất nhỏ tại Ấn Độ, một phần do giá iPhone tại đây khá cao. Thay đổi sẽ giúp Apple tránh bị đánh thuế nhập khẩu 20%.
Trong tình cảnh thị phần tại Trung Quốc suy giảm, Apple đang có kế hoạch sản xuất iPhone tại Ấn Độ. Đối tác chính Foxconn đang thử nghiệm sản xuất iPhone XR tại Ấn Độ trước khi sản xuất hàng loạt tại một nhà máy ở miền nam. Trước đó, các dòng iPhone đời cũ được lắp ráp tại nhà máy của công ty Wistron (Đài Loan) nằm ở Bangalore.
Trong bài phát biểu ngày 5/7, Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sitharaman đã tuyên bố nới lỏng chỉ tiêu đáp ứng nguồn cung địa phương trong lĩnh vực bán lẻ nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Ấn Độ cũng xem xét cho phép các công ty mở cửa hàng trực tuyến trước khi khai trương cửa hàng bán lẻ tại đây.
TH