Apple đối đầu FBI, từ chối mở khóa iPhone tên khủng bố

Google News

Giống như cách đây 5 năm, Apple đang từ chối hợp tác với FBI để mở khóa chiếc iPhone của tên khủng bố.

Tuần trước, FBI đã yêu cầu sự trợ giúp của Apple trong việc mở khóa một cặp iPhone được bảo vệ bằng mật khẩu thuộc về Mohammed Saeed Alshamrani – tên tội phạm tham gia khủng bố. Alshamrani bị cáo buộc đã giết chết ba người vào tháng trước tại một căn cứ của Hải quân ở Pensacola, Florida. Trong cuộc họp báo do Bộ trưởng bộ tư pháp - William Barr tổ chức hôm 14/01 vừa qua, vị lãnh đạo đứng đầu luật pháp của chính quyền Tổng thống Trump cho hay Apple đã không giúp FBI bẻ khóa điện thoại.

Apple đã đi trước một bước với iOS 13

Apple doi dau FBI, tu choi mo khoa iPhone ten khung bo

Bộ trưởng bộ tư pháp Mỹ - William Barr.

Ông Barr cho hay: "các chuyên gia của chúng tôi tại phòng thí nghiệm tội phạm FBI đã có thể sửa cả hai điện thoại bị hỏng để chúng hoạt động. Tuy nhiên, cả hai điện thoại đều được thiết kế để không thể mở khóa mà không cần mật khẩu. Chúng tôi đã nhờ Apple giúp đỡ để mở khóa iPhone của tên tội phạm này. Cho đến nay Apple đã không cung cấp cho chúng tôi bất kỳ sự trợ giúp đáng kể nào. Chúng tôi kêu gọi Apple và các công ty công nghệ khác giúp chúng tôi tìm giải pháp để chúng tôi có thể bảo vệ cuộc sống của người Mỹ tốt hơn và ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai. "

Nhiều khả năng, Apple sẽ không giúp FBI mở khóa điện thoại với lý do tương tự mà hãng này đưa ra vào năm 2016 khi Tòa án liên bang yêu cầu mở khóa iPhone 5c của tên tội phạm Syed Farook. Nếu mở khóa chiếc iPhone này, Apple sẽ phải phát triển một phiên bản iOS đặc biệt và công ty lo ngại rằng nếu FBI để rò rỉ, sẽ không có chiếc iPhone nào an toàn. Vì vậy, FBI đã trả cho công ty Cellebrite của Israel khoản tiền 1 triệu USD để bẻ khóa điện thoại của Farook, trong đó chứa một số thông tin quan trọng.

Không giống như các sự kiện đã xảy ra trong năm 2016, lần này Apple đã không được tòa án ra lệnh mở khóa điện thoại. Tuy nhiên, có khả năng ông Barr sẽ có được lệnh của tòa án buộc Apple phải mở các mẫu iPhone này. Có vẻ như các công ty như Cellebrite và Grayshift không thể mở khóa các mẫu iPhone chạy iOS 13 nếu không, ông Barr sẽ không phàn nàn với báo chí về việc thiếu sự trợ giúp của Apple.

Apple doi dau FBI, tu choi mo khoa iPhone ten khung bo-Hinh-2

Chiếc máy được sử dụng để phá khóa iPhone 5c của tên khủng bố Farook.

Trước đó, máy bẻ khóa Cellebrite đã được sử dụng để mở khóa các mẫu iPhone. Sau khi cắm vào cổng Lightning của iPhone, các thiết bị này tìm cách vượt qua các giới hạn đối với các lần thử mật mã và sau đó thử mọi kết hợp mật mã cho đến khi đúng. Apple đã đóng lỗ hổng này bằng Chế độ hạn chế USB được kết nối vào iOS 12. Tính năng này đã ngăn cổng Lightning giao tiếp với các thiết bị khác nếu iPhone không được mở khóa trong vòng một giờ. Rõ ràng, Apple có thể đã đi trước một bước với iOS 13.

Giới công nghệ đang rất hào hứng chờ xem điều gì sẽ xảy ra nếu Apple tiếp tục thách thức FBI. Bộ trưởng bộ tư pháp được biết là cực kỳ thân thiết với Tổng thống Donald Trump và ông Trump cũng coi CEO Tim Cook của Apple là người nói chuyện khá hợp ý. Rất có thể, Tổng thống Trump sẽ gọi điện và đàm phán với Tim Cook – người vẫn luôn bảo vệ bảo mật dữ liệu người dùng các thiết bị iOS.

Trước đó, vào năm 2016, khi Apple phản đối lệnh của tòa án yêu cầu mở khóa chiếc iPhone 5c của Farook, ứng cử viên Tổng thống Donald Trump đã thẳng thắn tuyên bố tẩy chay Apple và sẽ bắt đầu sử dụng điện thoại Samsung. Giờ đây, với toàn bộ sức nặng của Văn phòng Tổng thống đằng sau những tuyên bố của mình, không thể đoán trước được vị Tổng thống này sẽ làm gì với Apple nếu bị áp lực bởi ông Barr.

Theo An Nhiên/Dân Việt