Loài mới phát hiện mang tên Dama celiae, sinh sống ở thung lũng Manzanares - Tây Ban Nha vào thời kỳ của người Neanderthals.
Đó là một loài đã tuyệt chủng của chi hươu hoang Dama. Không chỉ có giá trị như một loài mới, nó còn giúp phản ánh một phần bức tranh cuộc sống mà những tổ tiên khác loài của chúng ta từng trải qua, do hài cốt của Dama celiae xuất hiện ngay giữa các công cụ của loài người này.
Các mảnh hóa thạch vừa được khai quật - Ảnh: Bảo tàng Khoa học tự nhiên Quốc gia Tây Ban Nha
Tiến sĩ Jan van der Made từ Bảo tàng Khoa học tự nhiên Quốc gia Tây Ban Nha, tác giả chính của nghiên cứu cho biết Dama celiae sống ở châu Âu trong kỷ nguyên Pleistocen, từ 365.000 đến 295.000 năm trước.
Các hình ảnh tái hiện cho thấy chúng có một bộ sừng rất đẹp như chân dung các "thần rừng" trong thần thoại phương Tây, hay được mô tả như một con hươu có bộ sừng to và phức tạp.
"Loài mới này là thành viên cuối cùng của dòng Dama farnetensis - Dama vallonnetensis - Dama roberti - Dama celiae, số lượng gạc giảm từ 4 còng 2trong khi dòng song song dẫn đến hươu hoang còn sống tiến hóa phức tạp hơn" - các tác giả cho biết.
Phần còn lại hóa thạch của Dama celiae, bao gồm một xương sườn có bảy vết cắt, được thu thập từ các mỏ cát của Pedro Jaro I và Orcasitas ở thung lũng Manzanares.
Tái hiện chân dung "thần rừng" tuyệt chủng - Ảnh: Bảo tàng Khoa học tự nhiên Quốc gia Tây Ban Nha
Một bộ sưu tập khổng lồ các công cụ bằng đá của người Acheulean, chẳng hạn như rìu cầm tay, dao chặt và vảy, đã được ghi lại từ cùng một địa điểm. Điều này cho thấy nó đã bị con người sống vào thời điểm đó - là người Neanderthals - săn bắt.
Phát hiện về loài hươu mới vừa được mô tả trên tạp chí khoa học Archaeological and Anthropological Sciences, trong khi các nhà khoa học tiếp tục tìm hiểu về tương tác giữa nó và con người cổ đại, kỳ vọng hiểu thêm về người Neanderthals.
"Loài người khác" Neanderthals được cho là tuyệt chủng khoảng 30.000 - 40.000 năm trước, là loài cùng thuộc chi Homo (Người) với loài Homo sapiens chúng ta và trong quá khứ đã từng hôn phối dị chủng với Homo sapines. Nhiều người hiện đại, nhất là nhóm dân cư ở Bắc Âu, vẫn còn mang nhiều yếu tố di truyền thừa hưởng từ vị tổ tiên khác loài này.
Theo Thu Anh/Người lao động