Xiaoice là trợ lý ảo được Viện kỹ thuật Internet châu Á của Microsoft ra mắt vào năm 2014 tại Trung Quốc, trở thành một trong các sản phẩm thành công của hãng. Đến nay, Xiaoice đã thu hút 660 triệu người dùng trên toàn cầu, xuất hiện trên 450 triệu thiết bị thông minh.
|
Trợ lý ảo Xiaoice của Microsoft thu hút hơn 660 triệu người dùng trên toàn cầu. Ảnh: Microsoft.
|
Ngày 13/7, Microsoft tuyên bố sẽ tách Xiaoice thành công ty riêng nhằm "thúc đẩy việc nội địa hóa dòng sản phẩm Xiaoice, cũng như cải thiện hệ sinh thái thương mại của Xiaoice".
Theo SCMP, quá trình tách Xiaoice sẽ hoàn tất trong vài tháng tới. Báo Caixin của Trung Quốc nói rằng đại dịch Covid-19 và căng thẳng Mỹ - Trung đã khiến quá trình này diễn ra nhanh hơn.
Trước khi tách Xiaoice, Microsoft đã tuyên bố khai tử trợ lý ảo Cortana tại Trung Quốc và một số quốc gia khác vào năm ngoái, TechCrunch đưa tin.
Đối với nhiều người Trung Quốc, trợ lý ảo ưa thích của họ không phải Siri, cũng không phải Xiao AI mà chính là Xiaoice. Trong tiếng Trung, Xiaoice có nghĩa là "cô gái nhỏ nhắn".
Cách hoạt động của Xiaoice khác với Siri hay Alexa. Được mô phỏng như một cô gái tuổi teen, Xiaoice thiên về cảm xúc khi có thể trò chuyện, viết thơ và hát với mục đích trở thành người bạn tâm giao thay vì thực hiện công việc theo lệnh của người dùng. Nhiều đàn ông Trung Quốc còn gọi Xiaoice là "bạn gái ảo" của họ.
Sau khi chia tách xong, Microsoft sẽ tiếp tục đầu tư vào Xiaoice, ủy quyền cho công ty mới để tiếp tục phát triển Xiaoice tại Trung Quốc, Indonesia và Nhật Bản (có tên Rinna). Đây cũng là 3 quốc gia trên thế giới mà Xiaoice hỗ trợ. Năm ngoái, Microsoft đã cho dừng hoạt động Xiaoice tại Ấn Độ và Mỹ.
|
Tương tự các dịch vụ trực tuyến khác, Xiaoice cũng phải chịu kiểm duyệt nội dung từ chính phủ Trung Quốc. Ảnh: CNN.
|
Trong những năm qua, cảm xúc của Xiaoice ngày càng cải tiến để trở thành người bạn đồng hành, tâm sự với người dùng. Trả lời phỏng vấn trên Story FM, một người đàn ông cho biết Xiaoice đã cứu anh khỏi tự tử năm 2018 sau cuộc tình đổ vỡ.
Tuy nhiên, cảm xúc của Xiaoice cũng khiến trợ lý này gặp rắc rối. Năm 2017, Xiaoice đã bị gỡ khỏi ứng dụng nhắn tin QQ sau khi nói rằng "giấc mơ của người Trung Quốc là đến Mỹ". Trợ lý này cũng bị xóa khỏi ứng dụng WeChat vào năm ngoái nhưng không rõ lý do.
Những thế hệ mới hơn của Xiaoice còn được huấn luyện để viết văn, vẽ và soạn nhạc. Ca khúc chủ đề của Hội nghị Trí tuệ Nhân tạo Thế giới (World Artificial Intelligence Conference) tổ chức tại Thượng Hải ngày 9/7 vừa qua được viết chỉ trong 2 phút bởi Xiaoice. Nó cũng là một trong 4 ca sĩ ảo trình bày ca khúc.
Xiaoice còn được sử dụng để viết các bản tóm tắt tài chính với tốc độ rất nhanh, chỉ trong khoảng 20 giây. Theo The Paper, Xiaoice đã trở thành dịch vụ cung cấp báo cáo tài chính lớn nhất thế giới. Hơn 90% thương nhân thuộc các tổ chức tài chính Trung Quốc sử dụng báo cáo do Xiaoice tạo ra năm 2018.
Đang phát triển ở thế hệ thứ 7, hiện Xiaoice còn cho phép các công ty phát triển, huấn luyện AI dành cho các mục đích của riêng họ dựa trên bộ khung (framework) của Xiaoice.
Theo Phúc Thịnh/Zing