Bật máy tính suốt ngày suốt đêm là thói quen của một bộ phận không nhỏ những người dùng máy tính, liệu việc này có hại nhiều hơn lợi như "thế gian" đồn đại hay không?
Đây là chủ đề đã được đem ra bàn tán từ khi thuở sơ khai của máy tính: Liệu bạn nên tắt chiếc PC của mình khi không dùng, hay cứ bật nó mãi?
Mỗi bên đều có lý lẽ riêng của mình, và câu trả lời phụ thuộc vào 2 yếu tố: Bạn dùng máy tính để làm gì, và bạn có dùng nó thường xuyên không. Hãy cùng cân đo đong đếm những điểm cộng và điểm trừ của việc luôn bật máy tính nhé:
A. Lợi ích của việc không tắt PC
Dưới đây là những lý do tại sao bạn nên luôn để máy tính của mình bật, không đơn giản chỉ là khả năng bắt đầu công việc nhanh hơn, mà việc này còn giúp cải thiện một số tính năng của máy.
1. Nhanh chóng, tiện lợi hơn
Có lẽ điểm cộng lớn nhất của việc luôn bật máy tính chính là sự thuận tiện. Nó sẽ luôn sẵn sàng để tác chiến cùng bạn chứ không phải chờ "tập thể dục thể thao" một hồi chán chê mê mỏi mới bắt đầu làm việc được.
Tùy thuộc vào thông số cấu hình và tuổi tác của PC, nhanh nhất cũng phải mất tới 15 giây để khởi động hệ điều hành, còn những cỗ máy già nua thì phải vài phút đồng hồ. Chưa kể tới việc bạn mà để tùy chọn bật một số phần mềm ngay khi máy tính vừa "thức giấc" thì còn ác mộng hơn nữa.
2. Máy tính của bạn sẽ luôn được cập nhật liên tục
Có không ít những tác vụ cần thiết để bảo vệ và duy trì sức khỏe của máy tính lẫn dữ liệu của bạn. Và một số sẽ "đốt" rất nhiều thời gian của bạn như cập nhật hệ thống, quét virus hay sao lưu ảnh, tập tin số lượng lớn.
Vậy tại sao không làm những điều này khi bạn đang không ngồi máy, hoặc tốt hơn là xếp lịch cho chúng "tự thân vận động" vào buổi đêm khi bạn đang yên giấc nồng nhỉ? Vừa tiết kiệm thời gian, lại không làm ảnh hưởng đến công việc mà bạn đang làm.
3. Luôn nắm quyền truy cập máy
Bật máy suốt ngày cho phép bạn chạy các phần mềm điều khiển từ xa, ví dụ như Remote Destop của Windows hay những ứng dụng của bên thứ 3 như LogMeIn chẳng hạn.
Bạn sẽ chẳng phải lo để quên những file quan trọng trong máy tính để bàn ở nhà nữa. Chỉ cần dùng ngay smartphone, tablet hay PC ở công ty để kết nối điều khiển là vấn đề đã được giải quyết trong chốc lát.
Mời độc giả xem clip "Máy tính có khả năng biến hình": (Nguồn VTC1)
B. Tác hại của việc không tắt PC
Bạn thường xuyên tắt tất cả những thiết bị điện khác trong nhà khi không sử dụng, ví dụ như tivi, đèn đóm,… Và dưới đây là lý do bạn nên tắt cả máy tính:
1. Làm giảm tuổi thọ của các linh kiện
Có một sự thật "đau lòng" là các thiết bị phần cứng đều có một thời lượng sử dụng nhất định.
Đèn màn hình laptop có tuổi thọ trung bình là khoảng vài chục ngàn giờ phát sáng, pin laptop sẽ bị "chai" đi khá nhiều sau khoảng 300 chu kỳ sạc, và ổ cứng dạng rắn SSD sẽ hoạt động hết công suất trong khoảng 3.000 lần ghi xóa.
Thông thường, bạn sẽ nâng cấp và lên đời chiếc PC cũ kỹ của mình trước khi nó chạm ngưỡng trên. Tuy nhiên khi bật máy không ngừng, bạn sẽ đưa đứa con tinh thần yêu quý của mình vào trạng thái "stress" liên tục. Việc cứ để nó chạy như thế cũng tỏa ra nhiều nhiệt – kẻ thù số 1 của linh kiện.
2. Lãng phí điện
Chẳng nói ai cũng biết, cứ để đồ điện chạy mà không dùng chính là cách đốt tiền điện nhanh nhất. Thế nhưng nó tốn bao nhiêu?
Tất nhiên là có sự khác biệt về lượng điện tiêu thụ khi một chiếc máy tính hoạt động bình thường, để ở chế độ chờ (Idle) hoặc ngủ (Sleep). Tắt màn hình đi thì sẽ tiết kiệm rất nhiều năng lượng, và đưa nó vào chế độ Sleep thì còn hơn thế nữa. Dẫu vậy để Sleep thì chẳng khác nào tắt máy cả.
Bạn cũng nên lưu ý là nếu máy tính được tắt nguồn nhưng vẫn cắm dây thì sẽ ngốn khoảng 0,2W. Vì vậy nếu muốn chi li từng chút một thì bạn nên rút dây nguồn sau khi tắt.
3. Dễ gặp phải tình trạng quá áp hoặc sập nguồn
Cả hai hiện tượng trên thường hiếm xảy ra nhưng rất nguy hiểm cho máy tính. Nhưng nếu bạn bật máy tính cả ngày lẫn đêm, thì % bị dính cao hơn rất nhiều phải không?
4. Trì trệ do không được reset
Ngày xửa ngày xưa, việc khởi động lại máy tính là một phần thiết yếu trong quá trình sử dụng nhằm giúp nó không làm việc quá sức.
Giờ đã không còn như vậy nữa, bởi các hệ điều hành hiện nay có khả năng quản lý nguồn tài nguyên rất tốt, và kể cả khi không bao giờ tắt máy thì PC cũng không bị suy giảm hiệu năng nhiều.
Thế nhưng restart lại máy vẫn là cách giải quyết hiệu quả cho hầu hết các lỗi mà bạn gặp hằng ngày. Một ứng dụng bất ngờ dở chứng hay bỗng nhiên máy in lại ngừng hoạt động, nhấn chiếc nút "thần kỳ" và nó sẽ tự động được hóa giải.
Vì tắt máy khi không dùng sẽ góp phần giải phóng hệ thống, và sáng mai thức dậy PC của bạn sẽ "trẻ ra" trông thấy đấy.
5. Gây ồn
Cuối cùng, tùy thuộc vào vị trí mà bạn đặt máy tính, có thể bạn sẽ muốn tắt nó đi để có được không gian yên tĩnh hơn đấy. Dù có tắt hết mọi thông báo thế nào đi chăng nữa, thì bạn vẫn sẽ phải chịu đựng tiếng quạt kêu vù vù hay tiếng ổ cứng quay vòng mà.
Kết luận
Việc tắt đi bật lại chiếc máy tính của bạn vài lần một ngày thực sự chẳng có nghĩa lý gì, mà để nó chạy qua đêm khi đang quét virus toàn bộ dữ liệu cũng không gây hại là bao. Đúng là PC thi thoảng cũng cần được khởi động lại - đặc biệt là trong mùa hè nóng nực, việc cho nó "nguội lạnh" đi một chút là khá cần thiết.
Thế bây giờ bạn nên tắt nó đi khi không dùng, hay cứ để đó? Sau cùng thì cũng như mọi bài viết khuyên nhủ khác, điều đó phụ thuộc vào nhu cầu của bạn.
Nếu bạn không đụng chạm gì đến nó trong vài ngày thì hãy tắt đi thôi. Còn nếu bạn luôn muốn nó sẵn sàng mọi lúc, mọi nơi thì cứ để nó chạy thoải mái, vì cũng không ảnh hưởng gì nhiều mà.
Theo cafebiz.vn