Hơn 500 con chim cánh cụt nhỏ nhất thế giới đã chết một cách bí ẩn trên các bãi biển trên khắp New Zealand trong vài tháng qua.
|
Bí ẩn cái chết của hàng trăm con chim cánh cụt nhỏ nhất thế giới |
Các chuyên gia không chắc chắn chính xác điều gì đã giết chết một số lượng lớn loài chim biển này, nhưng họ nghi ngờ rằng biến đổi khí hậu là một trong những thủ phạm hàng đầu.
Những con chim cánh cụt đã chết là loài Eudyptula nhỏ, nổi tiếng với tên gọi địa phương là kororā. Xác của chúng trôi dạt vào các bãi biển ở Đảo Bắc của New Zealand kể từ đầu tháng 5.
Quần thể lớn nhất là một nhóm gồm 183 xác chim cánh cụt trôi dạt vào tuần trước trên Bãi biển Ninety Mile gần Kaitaia; 109 con chim cánh cụt tìm thấy trên cùng bãi biển đó vào đầu tháng 5.
Tuần trước, một nhóm khoảng 100 con chim cánh cụt chết cũng dạt vào vịnh Cable gần Nelson, con số chính xác vẫn chưa rõ ràng. Bộ Bảo tồn New Zealand cho biết nhiều xác chim cánh cụt xuất hiện rải rác trên các bãi biển trên Đảo Bắc, từ một vài đến hàng chục thi thể.
Hiện vẫn chưa rõ điều gì đã giết chết những con chim cánh cụt, nhưng các chuyên gia lưu ý rằng hầu hết những con chim biển chết đều thiếu cân. Những chú chim cánh cụt nhỏ sẽ nặng từ 0,8 đến 1 kg), nhưng một số cơ thể nặng chưa đến 0,5kg.
Graeme Taylor, nhà khoa học về chim biển của Bộ Bảo tồn New Zealand cho biết: "Không có tí mỡ nào trên người, chúng không thể lặn tìm thức ăn, điều này khiến chúng bị đói hoặc chết, hạ thân nhiệt vì thiếu một lớp bảo vệ".
Tình trạng suy dinh dưỡng của những con chim cánh cụt cho thấy chúng đã không ăn đủ cá, thức ăn ưa thích của chúng. Đây có thể là dấu hiệu của việc con người đánh bắt quá mức.
Graeme Taylor nghi ngờ rằng nhiệt độ bề mặt đại dương tăng lên do biến đổi khí hậu và sự kiện kéo dài theo chu kỳ gọi là La Niña đã buộc nhiều loài cá phải dịch chuyển xuống vùng nước sâu hơn, mát hơn, nơi chim cánh cụt không thể tiếp cận được.
Đây không phải là lần đầu tiên những chú chim cánh cụt nhỏ bị chết hàng loạt ở New Zealand. Trung bình hàng chục, đôi khi hàng trăm chim cánh cụt nhỏ thiệt mạng mỗi thập kỷ, do khó kiếm ăn hoặc bão lớn. Tuy nhiên, đây là lần thứ ba xảy ra một vụ thiệt hại với số lượng lớn trong vòng 10 năm qua.
Theo Hoàng Dung (lược dịch)/ Infonet