Thung lũng Chết (Death Valley) là một thung lũng dài và hẹp thuộc khu vực phía Đông sa mạc Mojave, California. Đây cũng là vùng đất có địa hình thấp nhất, khí hậu khô và nóng nhất tại Bắc Mỹ.
Ở “Thung lũng chết” hầu như quanh năm không có một giọt mưa và có tới 6 tuần trong năm nhiệt độ lên tới trên 40 độ C. Mỗi khi có mưa xuống, những nơi nóng rực sẽ có những lớp bùn đỏ trôi ra trông như núi lửa phun trào. Vì thế, nơi đây còn có tên gọi là “miệng núi lửa chết”.
|
Những hòn đá dịch chuyển ra khỏi vị trí ban đầu. Ảnh: VnExpress. |
Cái tên “Thung lũng chết” được sử dụng cách đây 150 năm. Mùa đông năm 1849, một nhóm đi tìm vàng đã đi ngang qua thung lũng này. Do không chống chọi được với thời tiết khắc nghiệt ở đây nên họ chỉ còn là những đống xương trắng bị chôn vùi trong biển cát mênh mông. Một số ít người sau khi vượt ra được nơi này đã reo lên rằng “tạm biệt thung lũng chết” và cái tên “Thung lũng chết” ra đời từ đó.
Tuy nhiên, điều khó lý giải nhất ở "Thung lũng chết" đó là sự di chuyển tự do đầy bí ẩn của hàng trăm hòn đá và để lại những "con đường mòn" trên mặt hồ cạn Racetrack Player (còn được gọi là Racetrack Playa).
Nhà khoa học NASA Brian Jackson đã cho rằng, điều bí ẩn này khiến người ta liên tưởng tới nơi đây giống như một hành tinh khác.
Do vùng đất không có người sinh sống, khi con người phát hiện ra sự kỳ lạ của những hòn đá biết đi ở khu vực này, chúng đã ở trạng thái rẽ trái, phải, trượt, lướt... một quãng đường dài. Có những hòn đá, theo tính toán, đã di chuyển cách vị trí ban đầu 450m, và mất từ 2 đến 5 năm để đi được quãng đường đó.
Nhiều năm sau đó, các hòn đá ngày càng dịch chuyển xa hơn và nhiều hơn. Mỗi hòn đá đều có lộ trình riêng, có hòn đi thẳng, có hòn lại đi theo hình lượn sóng hay rẽ trái, phải. Có những hòn đá có khối lượng bằng nhau, hình dáng cũng giống nhau nhưng lại di chuyển những quãng đường khác nhau.
Tuy nhiên, điều thú vị là chưa một ai được tận mắt thấy sự di chuyển của những hòn đá này. Không ai biết được tốc độ di chuyển của chúng ra sao.
Những hòn đá này di chuyển bằng cách nào" luôn là câu hỏi mà rất nhiều người, từ du khách tới các nhà khoa học đã đặt ra. Hơn một thế kỷ, đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác.
Các nhà khoa học chỉ có thể đặt ra nhiều giả thuyết giải thích cho hiện tượng đá tự đi này. Một trong những giải thích được nhiều người tin nhất là hòn đá di chuyển nhờ lực hấp dẫn.
Tuy nhiên, giả thuyết này đã bị bác bỏ sau đó khi các nhà khoa học nghiên cứu kỹ lưỡng về địa hình của khu vực này. Đây là khu vực bằng phẳng, phía nam thấp hơn phía bắc không đáng kể, chỉ vài centimet. Như vậy, theo lý thuyết, các hòn đá sẽ rất khó dịch chuyển. Vậy mà chúng vẫn đi được những quãng đường dài một cách bí ẩn.
Bên cạnh đó, có giả thuyết cho rằng hòn đá di chuyển là do gió. Gió ở đây rất mạnh và đã đẩy các hòn đá đi. Một số người đã yêu cầu gắn các thiết bị theo dõi vào các tảng đá để ghi lại quá trình dịch chuyển của nó.
Mọi thứ dần trở nên sáng tỏ hơn vào cuối năm 2013. Hai nhà nghiên cứu Jim và Richard Norris đã đến khảo sát khu vực lòng hồ tại thung lũng Chết. Họ đã phát hiện ra rằng sự chuyển động của các tảng đá đòi hỏi sự phối hợp của nhiều điều kiện khác nhau.
Đầu tiên, bề mặt thung lũng phải được phủ một lớp nước có độ sâu vừa đủ để tạo thành băng nổi. Khi nhiệt độ xuống thấp, hồ sẽ đóng một lớp băng mỏng, bên dưới vẫn là nước. Lượng băng sau đó sẽ dày lên để đủ độ cứng và tạo lực đẩy tảng đá. Khi nhiệt độ lên cao, ánh mặt trời sẽ làm băng nứt thành từng mảng. Những tảng băng này sẽ được những cơn gió đẩy trôi đi, đẩy những hòn đá đi theo.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu mới chỉ quan sát được các hiện tượng này ở một vài hòn đá, còn các hòn đá lớn, họ vẫn cần nghiên cứu thêm để tìm ra sự dịch chuyển của nó.
Theo VietQ