2 triệu năm trước, biến đổi khí hậu đã khiến những con người đầu tiên rời châu Phi. Nhưng tất nhiên họ không phải Homo sapiens chúng ta, loài vốn chỉ có tuổi đời hơn 300.000 năm. Họ là những loài người khác đã tuyệt chủng. Đi cùng họ, còn có những đàn "quái thú", tuy ngày nay đại diện cho sự chết chóc và hung ác, nhưng từng một thời chung sống hòa bình với con người: linh cẩu.
Linh cẩu từng không hung ác như ngày nay và chung sống hòa bình với những loài người tuyệt chủng - ảnh: MARK BRIDGE
Đó là kết quả nghiên cứu của nhóm khoa học gia đứng đầu bởi nhà di truyền học tiến hóa Michael Westbury từ Đại học Copenhagen (Đan Mạch). Các tác giả phát hiện ra rằng trong một thời gian dài, dòng họ linh cẩu nhánh châu Phi đã chia sẻ mô hình di cư với các loài người cổ đại và chúng rất khác biệt so với nhóm linh cẩu Á-Âu; trước khi có sự giao thoa và nhiều bước tiến hóa phức tạp khác để cho ra linh cẩu ngày nay. Những điều này thể hiện qua dòng gene của các con linh cẩu.
Linh cẩu châu Phi từng rất khác biệt trước khi hòa dòng máu với linh cẩu Á-Âu
Tuy nhiên, giai đoạn chung sống hòa bình này đã kết thúc cùng với sự ra đời của chúng ta, người hiện đại Homo sapiens, vốn gây hại cho sự sinh tồn của linh cẩu. Người hiện đại còn là nguyên nhân tuyệt chủng của một số loài trong họ nhà linh cẩu, ví dụ linh cẩu hang động kỷ băng hà. Linh cẩu vì thế cũng tiến hóa từ lành tính sang hung dữ hơn, song song với sự tiến hóa của loài người.
Ngày mà linh cẩu thực sự biến thành "quái thú", đó là khoảng 100.000 năm về trước, là thời điểm những con người sinh sống ở Ai Cập ngày nay bắt đầu biết xây dựng. Quá trình hóa "quái thú" vì con người cũng có thể diễn ra đối với cả những động vật có vú khác.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Science Advances .
Theo NLĐ