Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện những đường hầm bí ẩn ở Nam Mỹ, đây rất có thể là một đầu mối về sự tồn tại của sinh vật cổ đại nói trên…
Trong vòng mười mấy năm, các nhà khoa học liên tiếp phát hiện các hang động và đường hầm lớn kì lạ ở Nam Mỹ. Trong các hang này còn lưu lại vô số vết móng vuốt cào vừa dài vừa sâu, cho nên các nhà khoa học cho rằng đây không phải là hang động tự nhiên mà được tạo nên bởi một loài vật cổ đại.
Các nhà khoa học chỉ ra phát hiện này khiến loài người kinh ngạc: “Đối với hầu hết các loài động vật có xương sống cổ đại, bạn chỉ có thể nhìn thấy hóa thạch của chúng, còn việc chúng sinh sống, hoạt động thế nào, theo bầy đàn hay đơn độc thì chúng ta hoàn toàn không biết. Trong sinh vật học cổ đại, có thể có những thông tin thế này là điều hết sức quý giá.”
Các nhà khoa học cho biết thông qua nghiên cứu các đường hầm, họ có thể tiến thêm một bước trong việc tìm hiểu tập quán sinh sống của sinh vật cổ đại cũng như có thêm những thông tin hữu ích về địa điểm phân bố của chúng.
Những hang động có kiểu dáng phong phú đa dạng, có những đường hầm chỉ có một lối đi từ đầu đến cuối, có những đường hầm bên trong có tới 25 nhánh con. Phần lớn chúng đều có nhiều lớp đá trầm tích, nhưng có đến hơn 50 đường hầm mà nhân viên nghiên cứu có thể thăm dò nghiên cứu, và họ phát hiện có 3 loại đường hầm thường thấy theo kích thước bao gồm đường hầm rộng 0,8 mét, 1,2 mét và 2 mét. Các đường hầm có thể sâu tới 60 mét, song do địa hình đã thay đổi qua nhiều năm, nên các nhân viên nghiên cứu không thể xác định được kích thước ban đầu của chúng.
Cho đến nay, các nhà khoa học đã khai quật được hơn 2000 hang động và đường hầm các loại, chúng đều có niên đại từ 8000 đến 10000 năm trước và đều do các sinh vật cổ đại đào lên. Hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định chúng là loài sinh vật nào, nhưng sau khi có kết quả phân tích các khoáng vật và chất hữu cơ trong các đường hầm, chắc chắn bức màn bí mật sẽ được vén lên.
Trước mắt, các nhà nghiên cứu thiên về khả năng các đường hầm cổ đại này do một loài sinh vật cổ kích thước lớn tạo nên; còn một khả năng khác đó là do một loài chuột chũi cỡ lớn đào. Các hang động được tìm thấy không phải ở vùng nhiệt đới Amazon mà ở vùng thảo nguyên rộng lớn. Trên vùng thảo nguyên này từng là nơi sinh sống của loài voi ma-mút và loài cá sấu khổng lồ. Do đó cũng có thể chúng là chủ nhân của những hang động này.
Vào những năm 1920, đã có người phát hiện đường hầm này ở Argentina, nhưng mãi đến khi nhân viên địa chất ở Brazil phát hiện hàng loạt đường hầm giống nhau mới thu hút sự chú ý của các nhà khoa học và cuộc nghiên cứu quy mô lớn đã được tiến hành. Hy vọng với những đầu mối mới này, chúng ta sẽ sớm khám phá ra những vị khách đến trước con người trên địa cầu.
Sau khi trái đất trải qua vô số những biến đổi khí hậu, địa hình, các sinh vật cổ đại cũng đã có sự biến đổi để thích nghi. Xong với môi trường sống hiện tại, chúng ta thật khó lòng hình dung trước đây từng có những động vật khổng lồ như vậy sinh sống trên trái đất.
Theo ĐKN