Jatinga là một ngôi làng nhỏ nằm ở Assam, một bang thuộc vùng Đông Bắc Ấn Độ, nơi đây chứa đựng những bí mật giải mã cho hiện tượng khoa học bí ẩn bấy lâu nay mà ngay cả những nhà nghiên cứu lỗi lạc cũng không thể đưa ra lời giải đáp – hiện tượng chim "tự sát" hàng loạt.
Hiện tượng này chỉ xảy ra tại làng Jatinga vào khoảng thời gian tháng 9 và tháng 10 hàng năm. Theo người dân trong làng, hàng năm, cứ vào đợt gió mùa cuối năm, một số loài chim di cư và cả những loài chim sống trong quanh làng đột nhiên xuất hiện và... chết ở đây.
Thời điểm xảy ra hiện tượng này thường là vào buổi hoàng hôn, lúc trời nhập nhoạng tối, hàng trăm con chim lao từ trên trời xuống với tốc độ nhanh rồi đâm vào cây cối hoặc các ngôi nhà trong làng và chết.
|
Kỳ lạ ngôi làng chim tìm về để chết |
Việc chim tự sát với số lượng lớn như vậy là chưa từng xảy ra nên cả những người dân trong làng và các nhà khoa học đều tỏ ra rất ngạc nhiên và lạ lùng. Trong nhiều năm, người dân làng Jatinga đã tin rằng những linh hồn của ma quỷ sống lưu lạc trên bầu trời chính là thủ phạm gây ra cái chết cho hàng trăm con chim hàng năm.
Sau một vài nghiên cứu và khảo sát được tiến hành, một số nhà khoa học đã kết luận rằng có thể những con chim bị mất phương hướng trong điều kiện thời tiết nhiều sương mù do gió mùa gây ra, trên đường bay, chúng bị thu hút bởi những ánh đèn trong ngôi làng nên lao xuống trong vô thức và gây ra cái chết.
Tuy nhiên, không phải tất cả những con chim đều “tự tử thành công”, một số con vẫn còn sống nhưng bị thương khá nặng nên chúng trở thành bữa ăn cho người dân trong làng. Điều kỳ lạ là những con chim này không có bất cứ kháng cự hay tỏ ra sợ hãi chút nào khi có sự xuất hiện của con người.
Chứng kiến hiện tượng này, Salim Ali, nhà nghiên cứu chim hàng đầu Ấn Độ cho biết. “Điều lạ kỳ nhất với tôi về hiện tượng quái gở này chính là việc rất nhiều loài chim có tập quán hoạt động vào ban ngày, nhưng tại sao chúng lại tụ họp vào buổi đêm, thời gian đáng lẽ cũng đang chìm trong giấc ngủ. Vấn đề cần được mổ xẻ dưới nhiều góc độ khoa học khác nhau”.
Một số ý kiến cho rằng đó là kết quả tự nhiên do thói quen bị thu hút bởi ánh sáng của một số loài chim và chúng vô tình bay thẳng tới những nguồn sáng mà không hề có sự đề phòng.
Trong khi đó, không ít các chuyên gia nghiên cứu về chim tin rằng có sự liên kết nào đó giữa hiện tượng này và lực điện từ trong khu vực được tạo bởi vị trí địa lý đặc biệt của vùng Jacinta.
Đến nay, hiện tượng chim "tự sát" vẫn là một dấu hỏi lớn đối với các nhà khoa học.
Theo Lê Cao/Vietq