Trong thế giới tự nhiên hoang dã, có rất nhiều "kiến trúc sư" động vật cực kỳ tài năng, và chim thợ may là một trong số đó.
Theo tìm hiểu, những con chim thợ may sống ở các vùng khác nhau ở Đông Nam Á. Tổ của chúng cực kỳ dễ thương, trông giống hệt như được tạo ra bởi bàn tay của con người.
Sử dụng kỹ thuật đáng kinh ngạc, những con chim tự may vá, khâu tổ cho mình. Ngôi nhà của chúng, trông giống như một tác phẩm nghệ thuật thực sự.
Theo tìm hiểu, chim thợ may còn được gọi là chích bông đuôi dài, tên khoa học là Orthotomus sutorius, một loài chim sẻ thuộc chi Chích bông, họ Chiền chiện. Loài này phân bố khắp các xứ nhiệt đới châu Á.
Đặc điểm chung của những con chim thợ may là, dù ở bất kể môi trường sống nào, vật liệu để xây tổ của chúng vẫn là những chiếc là vẫn còn xanh, chưa lìa cành.
Thông thường, để xây tổ, chim thợ may sẽ chọn một chiếc lá lớn, có độ đàn hồi cao. Sau đó, chúng sẽ gấp các cạnh của chiếc lá lại thành hình giống như một chiếc túi.
Mời quý vị xem video: Những loài chim độc đáo nhất thế giới. Nguồn video: Top 5 kỳ thú
Tiếp đến, chúng sẽ đục một hàng lỗ dọc theo cạnh lá và sử dụng chiếc mỏ điêu luyện của mình luồn những ngọn cỏ dai, chắc hoặc tơ nhện xuyên qua. Chuyển động mỏ của chim thợ may được ghi nhận là y hệt một thợ may thực sự.
Thậm chí chúng còn biết thắt nút để giữ cho đường may của mình không bị tuột ra, đảm bảo được sự chắc chắn. Sau khi may xong tổ, chim thợ may cái sẽ lấp đầy chiếc tổ này bằng lông tơ mềm và sẵn sàng cho một gia đình mới.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, làm tổ như vậy rất thuận tiện về mặt ngụy trang, bảo vệ con non. Chiếc lá xanh tiếp tục mọc trên cành và không nổi bật so với nền chung của cây, che giấu chim non khỏi những con mắt rình mò.
Không chỉ thế, việc làm tổ bằng lá con ngắn những kẻ săn mồi có trọng lượng nặng như rắn, bởi những con rắn không thể trườn ra những cành cây mỏng mảnh.
Đối với những kẻ săn mồi biết bay, tổ của những con chim thợ may cũng không phải là nơi dừng chân được. Vì hầu như không thể nhận thấy tổ của một con chim thợ may trong những tán lá xanh um.
Kiều Dụ (Theo SL)