Gần 100 năm sau khi tuyệt chủng, hổ Tasmania nổi tiếng có thế sống lại một lần nữa thông qua chương trình hồi sinh của các nhà khoa học Australia.
|
Bí mật kế hoạch hồi sinh loài động vật đã tuyệt chủng cách đây 8 thập kỷ
|
Loài thú hung dữ, cơ thể có nhiều vết sọc từng lang thang trong các bụi rậm ở Australia. Hổ Tasmania có kích thước bằng một con chó sói, biến mất cách đây khoảng 2.000 năm ở khắp mọi nơi ngoại trừ đảo Tasmania, Australia.
Hổ Tasmania được cho là thủ phạm gây thiệt hại cho gia súc của người dân trên đảo vào những năm 1800. Người dân địa phương đã săn bắt chúng quá nhiều, dẫn đến việc tuyệt chủng.
Cá thể hổ Tasmania cuối cùng sống trong điều kiện nuôi nhốt có tên là Benjamin, chết vào năm 1936 tại vườn thú Beaumaris ở Hobart, Tasmania.
Theo các nhà khoa học, dự án sẽ truy xuất DNA cổ đại và sinh sản nhân tạo để đưa loài động vật đã tuyệt chủng trở lại cuộc sống hiện tại.
Andrew Pask, giáo sư tại Đại học Melbourne, người tham gia vào dự án cho biết: "Công nghệ mới mang lại cơ hội đưa những loài đã tuyệt chủng trở lại, sửa chữa sai lầm. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là cần phải bảo vệ đa dạng sinh học hiện tại khỏi sự tuyệt chủng trong tương lai".
Trước đó, doanh nhân công nghệ Ben Lamm và nhà di truyền học George Church làm việc tại Trường Y Harvard thực hiện dự án 15 triệu USD đầy táo bạo để đưa voi ma mút đã tuyệt chủng trở lại thế giới hiện tại.
Để hồi sinh hổ Tasmania, nhóm dự án phải thực hiện nhiều bước kết hợp phức tạp giữa khoa học và công nghệ tiên tiến như chỉnh sửa gen hay tạo tử cung nhân tạo.
Đầu tiên, các nhà khoa học sẽ xây dựng bộ gen chi tiết của loài động vật đã tuyệt chủng, so sánh với bộ gen của loài họ hàng gần nhất còn sống. Đó là một loài thú có túi ăn thịt có kích thước nhỏ, khá giống một con chuột, được gọi la dunnart đuôi béo.
Andrew Pas giải thích: "Chúng tôi lấy các tế bào sống từ dunnart đuôi béo và chỉnh sửa những điểm DNA của chúng khác với Hổ Tasmania. Về cơ bản, chúng tôi đang cố gắng đưa tế bào dunnart để trở thành tế bào hổ Tasmania. Hi vọng cuối cùng của chúng tôi là một ngày nào đó sẽ nhìn thấy Hổ Tasmania ở vùng bụi rậm Australia một lần nữa".
Theo Hoàng Dung/ Báo Vietnamnet