Theo Interesting Engineering, công nghệ sản xuất đang bước vào kỷ nguyên mới với những bước tiến vượt bậc, và một ví dụ điển hình là cơ sở sản xuất smartphone hoàn toàn tự động của Xiaomi. Với diện tích 81.000 mét vuông và nguồn vốn đầu tư lên đến 330 triệu USD, nhà máy này tọa lạc tại Xương Bình, Bắc Kinh, sẽ là nơi chế tạo ra 10 triệu chiếc smartphone cao cấp mỗi năm.
Cách mạng công nghiệp 4.0 đã được thể hiện rõ nét qua mô hình sản xuất mới này. Lôi Quân, giám đốc điều hành kiêm sáng lập của Xiaomi, chia sẻ rằng nhà máy này được trang bị 11 dây chuyền sản xuất với 100% quy trình chủ chốt được tự động hóa. Tức là khi vào nhà máy này chúng ta sẽ thấy quang cảnh hầu như không bóng người mà chỉ có máy móc làm việc. Ông Lôi Quân nhấn mạnh rằng mọi phần mềm sản xuất đều do Xiaomi tự phát triển, nhằm đảm bảo quy trình vận hành mượt mà và hiệu quả.
Điểm nhấn công nghệ của nhà máy này là Nền tảng sản xuất thông minh (IMP), được ví như bộ não điều hành của cả hệ thống. IMP có khả năng tự nhận thức, tự đưa ra quyết định và tự xử lý các vấn đề phát sinh. Bằng cách chẩn đoán độc lập các sự cố kỹ thuật và hoàn thiện luồng quy trình, nền tảng này cho phép quản lý kỹ thuật số toàn diện từ khâu thu mua nguyên liệu đến phân phối sản phẩm.
Sự tự chủ trong sản xuất không chỉ dừng lại ở quy mô lớn, mà còn ở từng chi tiết nhỏ. Nhà máy được trang bị các thiết bị thu thập bụi cỡ micron giúp duy trì môi trường sạch sẽ, cũng như hệ thống kiểm soát chất lượng tự động. Một điểm đáng chú ý khác là tỷ lệ tự phát triển thiết bị đóng gói lên tới 96,8% và phần mềm là 100%, đi kèm với hơn 500 bằng sáng chế.
Được biết, từ đầu năm 2019, Xiaomi đã tích cực tích hợp công nghệ tự động vào quy trình sản xuất của mình. Nhà máy thông minh tại Diệc Trang, Bắc Kinh, là một trong những cơ sở đã hoàn thiện và đi vào sản xuất, đánh dấu bước tiến quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất của Trung Quốc và thế giới.
Những nhà máy như thế này không chỉ là minh chứng cho sự phát triển của công nghệ tự động mà còn cho thấy xu hướng tất yếu trong tương lai của ngành công nghiệp sản xuất: sự chuyển dịch từ lao động thủ công sang lao động trí tuệ, từ sự can thiệp của con người sang quản lý và vận hành tự động hoàn toàn. Điều này không những giúp tăng năng suất, giảm thiểu lỗi mà còn mở ra hướng đi mới cho sự phát triển bền vững trong thời đại số.
Theo Hai Xia/Người đưa tin