Vào giữa những năm 1990, một làn sóng biểu tình diễn ra để phản đối kế hoạch xây dựng đường bộ quy mô lớn của chính phủ Anh. Từ năm 1992 đến năm 1999, hàng nghìn người biểu tình đã tràn ra các đường phố của London, một số người chọn cách sống trên cây sắp bị đốn hạ để nhường đất cho đường cao tốc.
Adrian Fisk lớn lên trên những ngọn đồi ở Dartmoor, miền Nam nước Anh. Vào thời điểm đó, ông học nhiếp ảnh tại trường đại học. "Tôi nghe nói có nhiều người sống trên cây nên tôi đã đến xem xét thực địa đầu năm 1995".
Với tình yêu thiên nhiên to lớn, Adrian Fisk đã đến Newbury (nơi sau này đã trở thành một biểu tượng của phong trào) và hòa nhập vào nhóm người biểu tình.
"Tôi đã dựng một ngôi nhà trên cây sồi cao hơn 18m. Tôi rất ủng hộ những gì họ đang làm. Bản thân tôi cũng là một nhà môi trường. Tôi nhận ra rằng điều mình có thể đóng góp chính là chiếc máy ảnh", Fisk nói.
Năm nay, Fisk đã xuất bản những bức ảnh ông chụp trong cuốn sách mới mang tên “Until the Last Oak Falls”, ghi lại câu chuyện cảm động về những người không sợ mùa đông khắc nghiệt, chiến đấu với độ cao chóng mặt, chịu đựng sự nhạo báng của truyền thông để bảo vệ thiên nhiên. Nó phản ánh sự cống hiến, nổi dậy, nỗi buồn và hy vọng của những con người đứng lên hành động cho sự hủy diệt môi trường.
Điều đáng chú ý rằng nhiều bức ảnh đã được chụp từ 27 năm trước. Tại sao Fisk không công bố ngay từ đầu?
Lý do chủ yếu là khí hậu và hệ sinh thái hiện tại đang ở mức báo động, nguy cấp hơn rất nhiều so với nhiều năm trước.
"Họ ngồi trên ngọn cây hét lớn, kêu gọi những người thợ phá cây làm đường dừng lại nhưng không một ai lắng nghe", Fisk kể lại.
Fisk nói rằng sự hồi sinh gần đây của phong trào khí hậu ở Anh tạo nên cơ hội để suy ngẫm về lịch sử và học hỏi từ nó. "Lời kêu gọi của các nhà môi trường nhiều năm trước là hoàn toàn chính xác. Chúng ta nên lắng nghe họ ngay bây giờ".
Tác động của biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học ngày càng trở nên tồi tệ, gây thiệt hại lớn cho cuộc sống của người dân. Các cuộc biểu tình cũng trở nên phá hoại hơn để ép buộc chính phủ tập trung vào vấn đề bảo vệ môi trường.
Tháng 10/2022, hai cô gái bước vào Bảo tàng mỹ thuật quốc gia ở London, đổ nước sốt cà chua vào bức tranh “Hoa hướng dương” nổi tiếng của Vincent van Gogh. Phong trào “Just Stop Oil” đã thu hút sự chú ý với các cuộc biểu tình tương tự. Tổ chức này đã yêu cầu ngừng khai thác dầu và khí đốt mới ở Anh.
Trên thực tế, hai nhà môi trường đã đổ nước sốt cà chua vào bức tranh có đóng khung kính, nhưng hầu hết các báo cáo bỏ qua điều này.
"Hành động trực tiếp có hai vai trò. Một là thực sự ngăn chặn những gì đang xảy ra, và quan trọng hơn là thu hút sự chú ý. Nó giống như thắp sáng một ngọn đèn. Nếu không, mọi người vẫn còn trong bóng tối", Adrian Fisk nói.
Tổng cộng có hơn 800 người đã bị bắt trong các cuộc biểu tình chống lại việc xây dựng đường Newbury từ năm 1995 đến năm 1996.
Theo Trung Hạ/Phụ Nữ Việt Nam