Hiểm họa từ không gian: Nỗi sợ nguyên thủy của nhân loại
Những mối nguy hiểm từ trên cao là một trong những nỗi sợ hãi nguyên thủy nhất, lâu đời nhất của nhân loại. Vị trí của các ngôi sao và các hành tinh được người xưa đưa ra nhằm giải thích mọi thứ, từ số phận của các vị vua cho đến lũ sông Nile, trong số đó, sao chổi nổi tiếng là điềm báo của sự diệt vong.
Khi các nhà thiên văn học thời xưa tìm hiểu thêm về thiên thể, "bóng ma" từ bầu trời bắt đầu mờ dần. Tuy nhiên, việc quan sát vũ trụ từ các thế hệ kính viễn vọng lại đưa con người vào hố sâu sợ hãi mới.
|
Những mối nguy hiểm từ trên cao là một trong những nỗi sợ hãi nguyên thủy nhất, lâu đời nhất của nhân loại. Ảnh minh họa: Internet |
Với sự tiến bộ không ngừng của khoa học, loài người ngày nay đang dần chinh phục những tầm cao mới trong hành trình khám phá vũ trụ. Sự kiện chụp được bức ảnh đầu tiên chứng minh sự tồn tại của hố đen được giới nghiên cứu công bố tháng 4/2019 một mặt cho thấy tài năng và khát khao thông hiểu vũ trụ của loài người; mặt khác, đưa con người đối diện với hiện thực: Trong vũ trụ thực sự tồn tại những "sát thủ khổng lồ", đe dọa sự tồn vong của Trái Đất.
Không chỉ là thiên thạch khổng lồ, không chỉ là tiểu hành tinh, sao chổi... lao vào Trái Đất, địa cầu - một phần của Hệ Mặt Trời - phải đối mặt với một "sát thủ không gian" có tên: Mây mù chết chóc (Killer Cloud).
Đối với các nhà khoa học, bảo vệ sự sống trên Trái Đất là một sứ mệnh xuyên suốt. Việc săn tìm các Siêu Trái Đất, các hành tinh có khả năng nuôi dưỡng sự sống quan trọng và cấp thiết không kém sứ mệnh bảo vệ Trái Đất khỏi những nguy cơ hủy diệt từ không gian.
Mây mù chết chóc: "Sát thủ" quét sạch sự sống Trái Đất?
Sau những nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện rằng: Trong vài thiên niên kỷ nữa, cả Hệ Mặt Trời rộng lớn có thể sẽ lao vào đám mây khí và bụi khổng lồ, chết chóc. Hệ quả tất yếu: Sự sống và cả những nền văn minh mà con người cất công xây dựng bao năm bị quét sạch không còn dấu vết.
Khi đám mây mù chết chóc này xuất hiện, kịch bản đáng sợ không phải đến từ việc nó sẽ "nuốt chửng" Mặt Trời khiến cả Thái Dương Hệ chìm trong đêm đen vĩnh hằng; cũng không phải nó sẽ lao về phía chúng ta với những luồng sét khổng lồ, mà sự hủy diệt đến từ mật độ dày đặc của nó.
Các nhà khoa học lý giải, mây mù chứa bụi và khí khổng lồ này có mật độ dày và nặng gấp nghìn lần so với không gian bao quanh Trái Đất hiện tại.
Với kích thước khổng lồ cộng với mật độ dày khủng khiếp, mây mù không gian này thực sự là "con quái vật". Đám mây bụi khí này hoạt động như một lực vật lý, có khả năng đầy lùi vòng Nhật quyển(1) che chở Trái Đất khỏi những luồng bức xạ chết người từ vũ trụ.
Khi mây mù khổng lồ này gặp Trái Đất, bụi và khí dày đặc của nó có thể ăn mòn oxy trong bầu khí quyển Trái Đất. Các tia vũ trụ chết chóc sẽ tấn công sự sống trên hành tinh, gây nguy hiểm cho mọi sinh vật bằng những luồng bức xạ chết người khổng lồ.
Thảm họa không gian này là một trong những thảm họa gần nhất với chúng ta theo quan điểm thời gian. Các nhà khoa học cho biết, đám mây mù chết chóc này cách Hệ Mặt Trời chưa đầy 4 năm ánh sáng(2). Theo thuật ngữ vũ trụ, đó chỉ là một tích tắc của đồng hồ, nhưng trong những năm của con người, "quái vật" này vẫn còn cách xa vài thiên niên kỷ.
Tất nhiên, những lo lắng về sự kiện hủy diệt này cho đến nay vẫn dựa trên suy đoán của các nhà khoa học. Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, các nhà thiên văn học đã phát hiện những mối nguy hiểm thực sự liên quan đến các vật thể khổng lồ trong không gian.
Cụ thể, theo tính toán gần đây nhất, Mặt Trời của chúng ta sẽ bị một "vị khách không mời mà đến" - là một ngôi sao hàng xóm - ghé thăm! Chuyến ghé thăm này mang theo một cơn mưa sao chổi khồng lồ lao vào Trái Đất.
Thảm họa từ không gian sánh ngang chiến tranh hạt nhân
NASA - Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ - sớm được giao nhiệm vụ phát hiện, theo dõi và phân loại Vật thể gần Trái Đất (NEO)(3) có đường kính ít nhất 1km, bởi nếu xảy ra sự va chạm của chúng với Trái Đất thì có thể gây ra thảm họa diệt vong khủng khiếp cho hành tinh chúng ta.
Tính đến tháng 8 năm 2012, đã phát hiện được 848 tiểu hành tinh gần Trái Đất có đường kính lớn hơn 1 km, 154 trong số chúng có khả năng gây nguy hiểm tiềm ẩn (PHAs).
NASA cho biết, sứ mệnh NEO là một trong những nhiệm vụ được cơ quan này đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, vũ trụ luôn tiềm ẩn những thảm họa khó lường, nằm ngoài quan sát của con người.
Đơn cử, sự kiện Bering tháng 12/2018 - một thiên thạch đường kính 10m, nặng 1.400 tấn, lao vào vùng khí quyển Trái Đất vận tốc 115.872 km/giờ rồi phát nổ trên vùng biển Bering (bắc Thái Bình Dương) ở độ cao 25,7km, tỏa ra nguồn năng lượng gấp 10 lần quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản, năm 1945).
Điều kinh ngạc là giới khoa học chỉ biết đến sự kiện này sau khi vệ tinh quân sự của Mỹ truyền dữ liệu phân tích về sau. Mất 3 tháng sau, NASA mới chính thức thông báo về sự kiện này sau khi phân tích đầy đủ(đọc chi tiết).
Không tự nhiên mà giới khoa học lâu nay vẫn cảnh báo, thảm họa từ không gian, biến đổi khí hậu và chiến tranh hạt nhân là 3 trong những nguy cơ hàng đầu khiến Trái Đất dễ dàng rơi vào hố diệt vong!
Đó là lý do vì sao, các nhà thiên văn học thế giới đang "điên đầu" kiếm tìm những hành tinh có thể nuôi dưỡng sự sống để nếu một mai Trái Đất không còn là địa cầu xanh mướt nữa, loài người vẫn có hy vọng... Liệu khát vọng trở thành cư dân liên hành tinh của loài người có hiện thực? Câu trả lời có lẽ vẫn khiến nhiều người mong đợi.
Chú thích:
(1) Nhật quyển là khoảng trống xung quanh Mặt Trời, được lấp đầy bằng gió plasma Mặt Trời và kéo dài xấp xỉ khoảng 20 lần bán kính Mặt Trời (0,1 AU) ra các mép phía ngoài của Hệ Mặt Trời.
(2) Năm ánh sáng là đơn vị đo chiều dài sử dụng trong đo khoảng cách thiên văn. Nó bằng khoảng 9,5 nghìn tỷ km.
(3) Vật thể gần Trái Đất gồm vài nghìn tiểu hành tinh gần Trái Đất (NEA), các sao chổi gần Trái Đất, và một số tàu không gian bay quanh Mặt Trời, và một số thiên thạch đủ lớn có nguy cơ lao về phía Trái Đất.
Theo Trang Ly/Helino