Bức xạ vũ trụ có liên quan đến bệnh ung thư của phi hành gia?

Google News

Không gian ngoài vũ trụ là môi trường khắc nghiệt, khiến các phi hành gia phải tiếp xúc với phóng xạ ở mức độ cao. Tiếp xúc nhiều với phóng xạ có thể làm tăng tỷ lệ mắc ung thư và bệnh tim ở người.

>>> Mời quý độc giả xem video: "Vì sao phi hành gia thường mặc đồ trắng". Nguồn Youtube:
 
Nhưng một nghiên cứu mới đã đem lại những tin tốt: Bức xạ vũ trụ dường như không làm tăng nguy cơ tử vong bởi ung thư hay bệnh tim, ít nhất là không phải với mức độ phóng xạ mà họ phải trải qua trong các nhiệm vụ trước đây. Tuy nhiên, các nhiệm vụ lâu dài hơn - chẳng hạn như đi đến sao Hỏa - có thể sẽ đi kèm với mức độ phơi nhiễm phóng xạ lớn hơn nhiều và rủi ro tới sức khỏe cao hơn, theo các nhà nghiên cứu.
Buc xa vu tru co lien quan den benh ung thu cua phi hanh gia?
 Phi hành gia người Mỹ làm việc bên ngoài không gian vũ trụ.
Cơ thể của các phi hành gia phải chịu đựng mức độ bức xạ ion hóa cao hơn trong vũ trụ so với người thường trên Trái đất. Và ở nồng độ cao, bức xạ đó không chỉ liên quan đến ung thư và bệnh tim mà còn liên quan đến các vấn đề sức khỏe khác.
Các nghiên cứu trước đây không tìm thấy mối liên hệ giữa du hành vũ trụ và nguy cơ tử vong do ung thư hay bệnh tim; nhưng vì có khá ít người từng du hành vào vũ trụ, những nghiên cứu này có thể chưa đủ lớn để tìm ra mối liên kết đó, các nhà nghiên cứu cho biết.
Nghiên cứu mới đã phân tích thông tin từ 418 nhà du hành vũ trụ, bao gồm 301 phi hành gia của NASA từng du hành vào vũ trụ ít nhất một lần kể từ năm 1959 cho đến nay và 117 phi hành gia người Nga hoặc Liên Xô cũ từng du hành vào vũ trụ ít nhất một lần kể từ năm 1961. Trung bình những người này được theo dõi trong khoảng thời gian là 25 năm.
Trong khoảng thời gian này, 89 người trong số họ đã chết. Trong số 53 phi hành gia của NASA đã qua đời, 30% chết vì ung thư và 15% vì bệnh tim; và trong số 36 nhà du hành vũ trụ người Nga hoặc Liên Xô đã qua đời, 50% chết vì bệnh tim và 28% vì ung thư.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng một kỹ thuật thống kê đặc biệt để xác định xem liệu tử vong do ung thư và bệnh tim có thể có một nguyên nhân chung hay không - trong trường hợp này, nguyên nhân chung sẽ là do bức xạ vũ trụ. Nhưng kết quả của họ không chỉ ra nguyên nhân tử vong chung.
“Nếu bức xạ ion hóa thực sự có ảnh hưởng đến nguy cơ tử vong do ung thư và bệnh tim mạch, thì tác động này cũng không đáng kể”, các nhà nghiên cứu viết lại trên báo cáo được công bố vào ngày 4/7 trên tạp chí Science Reports.
Tuy nhiên, nghiên cứu chưa thể xác định liệu các nhiệm vụ lâu dài hơn có dẫn đến các rủi ro khác hay không.
“Điều quan trọng cần lưu ý là các nhiệm vụ thám hiểm không gian sâu hơn trong tương lai có thể sẽ khiến phi hành gia bị phơi nhiễm trong mức độ phóng xạ vũ trụ cao hơn bất cứ lần nào trong lịch sử, điều này sẽ dẫn đến một số rủi ro khác cho các phi hành gia và nhà du hành vũ trụ trong tương lai”, các nhà nghiên cứu ghi nhận. Các nghiên cứu thực hiện trong tương lai nên tiếp tục theo dõi các phi hành gia “về các tác động có hại tiềm ẩn trong việc tiếp xúc với bức xạ không gian”, họ kết luận.
* Kiến Thức đã đặt lại tiêu đề bài viết.
Theo Đức Mạnh/ GDTĐ