Trong năm 2024, nhiều kế hoạch khám phá vũ trụ của các nước sẽ được tiến hành. Theo đài CNN, các hoạt động này sẽ thúc đẩy quá trình chinh phục vũ trụ của con người và giúp khoa học đạt những thành tựu mới.
Trở lại Mặt Trăng
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đang lên một kế hoạch phức tạp và chứa đựng nhiều rủi ro, mang tên Artemis II. Kế hoạch này dự kiến khởi động vào tháng 11 và sẽ chở 4 phi hành gia bay vòng quanh Mặt Trăng.
Sự kiện này sẽ đánh dấu một kỳ tích lịch sử, vì chưa có quốc gia nào du hành vòng quanh một thiên thể ngoài Trái Đất.
Các phi hành gia của tàu Artemis II. Ảnh: NASA.
|
|
Theo kế hoạch, tàu chở các phi hành gia sẽ bay vòng quanh Mặt Trăng nhưng không đáp xuống thiên thể này. Artemis II được xây dựng dựa trên chuyến bay thử nghiệm không người lái thành công của NASA vào cuối năm 2022.
Các phi hành gia trên tàu Artemis II là ông Reid Wiseman, ông Victor Glover, bà Christina Koch thuộc NASA và ông Jeremy Hansen thuộc Cơ quan Vũ trụ Canada. Bà Koch sẽ là người phụ nữ đầu tiên tham gia kế hoạch chinh phục Mặt Trăng.
Nếu thành công, Artemis II sẽ mở đường cho việc phóng tàu Artemis III, nhằm mục đích đưa con người lên Mặt Trăng lần đầu tiên kể từ năm 1972.
SpaceX tiếp tục phóng thử Starship
Năm 2024, SpaceX – công ty do tỉ phú Elon Musk điều hành – sẽ tiếp tục phát triển Starship. Đây là hệ thống tên lửa và tàu vũ trụ lớn nhất từng được phát triển. Trong năm 2023, SpaceX đã có 2 lần phóng thử nghiệm Starship nhưng đều không thành công.
Theo CNN, ông Musk và SpaceX vạch ra một hướng đi lớn cho Starship, bao gồm việc đưa con người đầu tiên lên sao Hỏa. Ngoài ra, NASA cũng có kế hoạch sử dụng Starship cùng với tên lửa đẩy SLS và tàu vũ trụ Orion để thực hiện kế hoạch Artemis III, dự kiến triển khai vào đầu năm 2025.
Tuy nhiên, Starship còn một chặng đường dài phía trước để khắc phục những lỗi hiện có. Theo đó, SpaceX cần tìm ra cách phóng Starship lên quỹ đạo một cách an toàn, hạ cánh và tái sử dụng cả tên lửa đẩy và tàu vũ trụ để quay về Trái Đất, cũng như tìm ra cách tiếp nhiên liệu cho hệ thống này khi nó ở trên quỹ đạo.
Trong năm 2024, SpaceX dự kiến thực hiện các vụ phóng thử Starship. Tuy nhiên, lịch trình cụ thể vẫn chưa được công bố.
Robot nghiên cứu Mặt Trăng
Ngoài việc đưa các phi hành đoàn thám hiểm Mặt Trăng, NASA và cơ quan hàng không vũ trụ của các quốc gia khác cũng có kế hoạch đưa robot khám phá bề mặt Mặt Trăng.
Trong năm 2024, NASA có kế hoạch phóng tới 4 tàu vũ trụ lên Mặt Trăng. Theo đó, tàu vũ trụ Peregrine sẽ được phóng lên Mặt Trăng trong tháng 1 này.
Theo CNN, nhà sản xuất đã trang bị nhiều thiết bị khoa học trên tàu Peregrine, bao gồm máy theo dõi bức xạ sẽ kiểm tra mức độ nguy hiểm của bề mặt Mặt Trăng đối với sức khỏe phi hành gia.
Nhật nỗ lực khám phá Mặt Trăng
Tàu đổ bộ thông minh (SLIM) của Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật (JAXA) dự kiến đáp xuống bề mặt Mặt Trăng vào tháng 1.
Tàu đổ bộ trên được phóng vào tháng 9-2023 cùng với vệ tinh XRISM. Sau khi phóng, SLIM sử dụng hệ thống đẩy của riêng mình để hướng tới Mặt Trăng.
Sau khi đi vào quỹ đạo quanh Mặt Trăng vào ngày 25-12-2023, SLIM dự kiến hạ cánh trên bề mặt thiên thể này vào trưa 20-1 (giờ Nhật). Nếu SLIM không thể hạ cánh trong khung thời gian này, nó phải chờ đến ngày 16-2 để có cơ hội hạ cánh tiếp theo.
Nếu tàu đổ bộ hạ cánh thành công, nó sẽ nghiên cứu nhanh bề mặt Mặt Trăng ngay phía nam Biển yên bình – nơi tàu Apollo 11 của Mỹ hạ cánh vào năm 1969. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy kế hoạch khám phá vũ trụ của Nhật.
Du lịch không gian tiếp tục phát triển
NASA, SpaceX và công ty hàng không vũ trụ Axiom (Mỹ) sẽ tiếp tục cung cấp các chuyến bay thường xuyên đến Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) cho các khách hàng có nhu cầu.
Trong năm nay, Axiom 3 sẽ được phóng lên vũ trụ, chở theo các chuyên gia quân sự và một số người hoạt động trong lĩnh vực hàng không vũ trụ. Họ bao gồm phi hành gia Cơ quan Vũ trụ châu Âu – ông Marcus Wandt, cựu phi hành gia NASA và trưởng chuyến bay – ông Axiom Michael López-Alegría, phi công chiến đấu người Thổ Nhĩ Kỳ – ông Alper Gezeravci và Đại tá không quân Ý – ông Walter Villadei.
Họ sẽ dành khoảng 14 ngày trên ISS và làm việc cùng với các phi hành gia có mặt tại đây.
Trong khi đó, các công ty hàng không vũ trụ Virgin Galactic (Mỹ) và Blue Origin (Mỹ) dự kiến tiếp tục cung cấp các chuyến đi ngắn lên không gian
Giám sát Trái Đất từ không gian
Giám sát Trái Đất từ không gian có thể mang lại những kiến thức giá trị về sự thay đổi của hành tinh, trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu đang diễn ra.
NASA có kế hoạch khởi động các sứ mệnh giám sát Trái Đất mới trong năm 2024 nhằm theo dõi hoạt động của đại dương, đất liền và băng.
Theo đó, NASA sẽ khởi động kế hoạch PACE vào tháng 2 này để đánh giá chất lượng không khí và sức khỏe của các đại dương trên Trái Đất.
Kế hoạch này sẽ lập bản đồ thực vật phù du (các loài thực vật nhỏ bé và tảo tạo thành nền tảng của chuỗi thức ăn ở biển), theo dõi các hạt nhỏ lơ lửng trong khí quyển. Các thiết bị của kế hoạch này sẽ cho phép các nhà khoa học nghiên cứu cách khí quyển và đại dương tương tác với nhau.
Trong năm nay, vệ tinh NISAR – kế hoạch hợp tác giữa NASA và Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ – sẽ được phóng lên quỹ đạo để theo dõi các mặt đất và băng trong 3 năm tới.
Ngoài việc giúp hiểu biết thêm về lớp vỏ Trái Đất, kế hoạch này còn hỗ trợ theo dõi cách hệ sinh thái của chúng ta phản ứng với cuộc khủng hoảng khí hậu. NISAR sẽ thu thập dữ liệu về mực nước biển dâng và các mối nguy hiểm tự nhiên khác, để làm sáng tỏ tốc độ và tác động của biến đổi khí hậu.
Theo Khoa Điềm/PLO