Các nhà khoa học Việt lai tạo giống ngô ngọt ăn liền

Google News

Giống ngô SSW18 siêu ngọt được lai đơn giữa hai dòng bố mẹ, do nhóm nghiên cứu chọn tạo trong nước, không sử dụng biến đổi gene.

Sau 7 năm phát triển, nhóm nghiên cứu thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam vừa cho ra đời giống ngô SSW18 có thể ăn trực tiếp mà không cần luộc, hấp, nướng.
Cac nha khoa hoc Viet lai tao giong ngo ngot an lien
ThS Nguyễn Văn Hà.
Ăn liền như trái cây
Bằng phương pháp lai hữu tính truyền thống, ThS Nguyễn Văn Hà cùng cộng sự Học viện Nông nghiệp Việt Nam tạo thành công giống ngô SSW18 có thể ăn trực tiếp sau khi hái trên cây xuống, có màu trắng sữa, mềm, độ ngọt hơn trái cây.
ThS Nguyễn Văn Hà, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu cây trồng cạn, Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho hay điểm đặc biệt của giống ngô này có hàm lượng nước cao, tinh bột thấp, khi ăn trực tiếp có vị như hoa quả chín.
So với ngô thông thường (độ ngọt khoảng 12-15 độ Brix), giống ngô mới có độ ngọt 18 độ Brix, trong điều kiện canh tác tốt có thể lên tới 20% (như trồng tại Sapa). Hàm lượng đường trong ngô cao, tuy nhiên không giống ảnh hưởng như đường glucose, đường mía nên những người bị tiểu đường, người ăn kiêng hoàn toàn có thể sử dụng được.
Mặt khác, hạt ngô có hàm lượng tinh bột thấp, không cần quá trình chế biến để làm chín tinh bột, nên có thể ăn sống mà không có vị ngái. Đây là hướng nghiên cứu mới mà nhóm muốn giới thiệu với bà con, có thể tiếp nhận và thưởng thức sản phẩm này. Bước đầu nhóm chọn được giống, đang hoàn thiện và cải thiện một số tính trạng để đưa ra thương mại hóa.
“Đối tượng chúng tôi hướng tới là người dân mong muốn trải nghiệm sản phẩm lành mạnh cho sức khỏe hoặc du lịch trải nghiệm. Ngoài ăn tươi, ngô có thể xay làm nước ép, sữa, sinh tố, nước ép mà không làm mất đi hàm lượng vitamin trong ngô.
Ngô cũng có thể để trong tủ lạnh từ 7 - 10 ngày mà vẫn giữ được độ tươi, ngọt như các loại hoa quả khác. Đây chính là điểm mạnh của giống ngô hoa quả. Ngô bảo quản được trong ngăn mát tủ lạnh thời gian dài sẽ phục vụ rất tốt cho người dân” - ThS Hà cho biết.
Sẽ phát triển vùng trồng rộng rãi
Giống ngô siêu ngọt này vẫn tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện quy trình sản xuất, lựa chọn vùng canh tác áp dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng ngô, độ ngọt và chống chịu tốt với sâu bệnh. Với ưu điểm độ ngọt cao, sản lượng của loại ngô này không cao như ngô nếp, ngô tẻ. Theo nhóm nghiên cứu, ngô SSW18 như một loại trái cây, giúp bổ sung nhiều dinh dưỡng thiết yếu và chất xơ dễ tiêu, phù hợp cho mọi lứa tuổi, không bị mất đi các chất dinh dưỡng do chế biến.
Cac nha khoa hoc Viet lai tao giong ngo ngot an lien-Hinh-2
Giống ngô ăn liền như trái cây.
Trải nghiệm thử ngô hoa quả, chị Mai Anh (Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ: “Ngô ăn có cảm giác mọng nước, vị ngọt hơn dưa hấu mà không bị sượng. Cảm giác khi ăn giống một loại hoa quả chín.
Ngô hoa quả sẽ rất tiện lợi nếu như tôi không kịp chuẩn bị đồ ăn vào buổi sáng. Ngoài ra, loại ngô này có thể dùng ăn kèm với các loại salad sẽ rất thơm, bùi và tạo vị cho món ăn”.
Qua nhiều thử nghiệm, ngô siêu ngọt SSW18 phát triển khỏe, nhanh. Thời gian từ gieo trồng đến thu hoạch bắp ngô tươi là 70 - 80 ngày tùy từng vùng, vụ trồng, thời tiết. Năng suất bắp tươi đạt từ 10 - 12 tấn/ha.
Thực tế, nhóm đang phát triển giống ngô hoa quả này trên các vùng cao, khí hậu mát mẻ như Mộc Châu (Sơn La), Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai)... Đây là các vùng trồng ngô truyền thống, phát triển tốt du lịch, xóa đói giảm nghèo và có thể trở thành cây đặc sản địa phương.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu tin tưởng việc tự chủ được giống ngô, công nghệ, quy trình sản xuất thì Việt Nam sẽ bớt phụ thuộc một phần vào nhập khẩu ngô đường từ Philippines, Mỹ, Thái Lan.
Với đời sống ngày một nâng cao, nhu cầu sử dụng ngô như một thực phẩm giàu dinh dưỡng, ít tốn công chế biến ngày một tăng. Chọn tạo giống ngô trái cây là hướng đi cần thiết và đúng đắn đón đầu xu thế tiêu dùng thực phẩm này.
Đặc biệt khi tổ chức vùng trồng, sẽ áp dụng mô hình canh tác hữu cơ, tạo ra sản phẩm ngô giàu dinh dưỡng, giống như một loại rau quả bổ sung chất khoáng cần thiết cho cơ thể.
“Ngoài ứng dụng làm thực phẩm thì ngô ngọt còn có thể dùng để sản xuất đường lỏng dùng trong công nghiệp sản xuất bánh kẹo, nước ngọt… Nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục cải tiến để gia tăng năng suất, chất lượng, tạo ra giống ngô đem lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân”, ThS Nguyễn Văn Hà chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhóm cũng xây dựng quy trình canh tác hữu cơ, đảm bảo an toàn sử dụng, không ảnh hưởng chất hóa học trong quá trình nuôi trồng. Hiện các nhà khoa học đang thử nghiệm giống ở các địa bàn sinh thái khác nhau để chọn vùng canh tác áp dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng ngô, độ ngọt và chống chịu tốt với sâu bệnh.
Nhóm cho biết, sẵn sàng hợp tác trao đổi và đầu tư hoàn thiện công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp, Nhà nước để có thể đưa giống ra thị trường.
SSW18 siêu ngọt được lai đơn giữa hai dòng bố mẹ, do nhóm nghiên cứu chọn tạo trong nước, không sử dụng biến đổi gene. Hình thái bề ngoài giống ngô nếp, tuy nhiên khi cắt lát bên trong, hạt ngô có màu trong của thạch, hàm lượng nước cao.
Theo Nhật Mai/Giáo dục & thời đại