Tiến sĩ Hoàng Dương Hùng, Trung tâm Nghiên cứu Thiết bị Áp lực và Năng lượng mới, trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng tư vấn: Ở nước ta, nhất là ở miền Bắc có mùa đông lạnh buốt, gió rét, trời âm u, nhiều mây và thường có mưa phùn, không phải điều kiện lý tưởng để sử dụng hệ thống đun NLMT.
Những ngày đông không mây, hoặc có chút mây che nhưng trời vẫn sáng và nhiệt độ ngoài trời khoảng 15 độ C thì nước qua hệ thống đun có thể đạt đến nhiệt độ 30 - 40 độ C. Còn những ngày âm u thì nhiệt độ nước đun chỉ lớn hơn nhiệt độ nguồn nước vào khoảng 4 - 5 độ C.
Tuy nhiên, hệ thống đun nước NLMT vẫn phát huy tác dụng khi được lắp phối hợp với bình đun nước nóng bằng điện. Nguồn nước đã được đun nóng một phần qua hệ thống đun bằng NLMT sẽ trở thành nước đầu vào cho bình đun nước nóng bằng điện. Cách làm này sẽ giúp tăng đáng kể nhiệt độ nguồn nước vào bình điện, giảm thời gian và năng lượng điện để làm nóng nước.
Việc đấu nối tiếp nguồn nước ra từ hệ thống đun NLMT làm nguồn nước đầu vào cho bình đun điện khá đơn giản và có thể mang lại hiệu quả tiết kiệm được 70 - 80% điện năng tiêu thụ cho bình đun điện. Bình nước nóng dùng điện sẽ được đặt ở chế độ tự động với mức nhiệt độ nước được cài đặt thích hợp, ví dụ ở mức 50 độ C.
Như vậy, bình nước đun điện sẽ chỉ bật lên khi nguồn nước đầu vào chưa đủ 50 độ C, còn nếu nước ra từ bình đun NLMT đã đủ nóng trên mức nhiệt độ đó thì công tắc tự động sẽ không bật lên và bình điện không hoạt động.
K.L (ghi)