Cần cơ chế thoáng để phát triển dự án năng lượng điện rác

Google News

Rác thải rắn có thể trở thành nguyên liệu đầu vào cho dự án năng lượng điện rác.

Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về phát triển năng lượng bền vững khuyến khích việc xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn. Đây là một chủ trương đúng phù hợp với thực tế nhiều đô thị lớn của Việt Nam đang gặp thách thức về xử lý rác thải. Tuy nhiên, để phát triển dự án năng lượng điện rác thực tế còn rất gian nan.
Can co che thoang de phat trien du an nang luong dien rac
Rác thải rắn có thể trở thành nguyên liệu đầu vào cho dự án năng lượng điện rác. 
Giải bài toán rác thải đô thị lớn bằng công nghệ điện rác
Theo Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT), mỗi năm, cả nước thải ra 24,5 triệu tấn rác thải rắn sinh hoạt. Trong đó, chỉ có khoảng 1% được sử dụng để phát điện, 27% được tái sử dụng để làm phân bón. Phần còn lại (72%) thực hiện chôn lấp (nhưng đa phần không hợp vệ sinh) gây ra nguy cơ ô nhiễm môi trường rất lớn.
Tại Tọa đàm trực tuyến “Ô nhiễm rác thải và giải pháp phát triển công nghệ điện tác tại Việt Nam” do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hội đồng tư vấn về Khoa học – Giáo dục – Môi trường (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - UBTWMTTQVN) tổ chức chiều 29/5, Tiến sĩ Khoa học Mai Huy Tân cho rằng với tỷ lệ gia tăng rác thải ở Việt Nam là 8%/năm, nhất là ở các đô thị lớn tỷ lệ này còn cao hơn nhiều thì áp lực ô nhiễm rác thải luôn thường trực đối với các địa phương này. Và điện rác đang được khuyến khích và là xu hướng tất yếu để xử lý rác thải đô thị.
“Bản chất của điện rác chính là một mô hình kinh tế tuần hoàn. Với áp lực rác thải như tại Việt Nam cần ít nhất phải 100 nhà máy xử lý rác (bằng công nghệ không chôn lấp) mới xử lý hết. Mà nếu thực hiện được điều đó Việt Nam cũng sẽ hình thành được nền công nghiệp môi trường”, ông Tân nói và cho rằng những thành phố trực thuộc trung ương nhất thiết phải có nhà máy điện rác, đối với những địa phương ở gần nhau ví dụ như các tỉnh Đông Bắc Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ có thể tính đến phương án liên kết hình thành một nhà máy xử lý điện rác.
Can co che thoang de phat trien du an nang luong dien rac-Hinh-2
 Nhiều vướng mắc được các chuyên gia, nhà khoa học thảo luận trong tọa đàm về công nghệ điện rác tổ chức tại Đà Nẵng ngày 29/5.
Ở góc độ nhà khoa học, theo GS.TS Đặng Thị Kim Chi - Ủy viên HĐTV KH – GD – MT (UBTƯMTTQVN) đốt rác phát điện chỉ nên thực hiện ở địa phương nào có lượng rác phát sinh cao, tỷ lệ rác thải rắn, kinh tế phát triển bởi chi phí để xây dựng, vận hành một nhà máy đốt rác phát điện là rất lớn, vận hành phức tạp, đòi hỏi công nghệ, tay nghề cao. “Không thể vận hành một nhà máy đốt rác phát điện mà mỗi ngày chỉ xử lý vài trăm tấn rác. Đốt rác phát điện là lựa chọn tốt nhất cho các khu vực có diện tích hẹp, mật độ dân số cao, công nghiệp phát triển và có nguồn lực tài chính”.
Vẫn loay hoay bài toán chọn công nghệ nào?
Tại Việt Nam, trong những năm qua, Chính phủ và các Bộ ngành liên quan khuyến khích các địa phương đủ điều kiện nghiên cứu chuyển sang đốt rác phát điện nhưng đến thời điểm hiện tại dù đã hình thành một số dự án điện rác nhưng đều không mang lại hiệu quả. Vấn đề lớn ở đây theo nhiều chuyên gia là do địa phương chưa chọn được công nghệ điện rác nào phù hợp.
Theo ông Nguyễn Thượng Hiền – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT), hiện đã có nhiều cơ chế chính sách để xã hội hóa xử lý rác thải, để biến rác thải thành tài nguyên. Tuy nhiên, còn rất nhiều vướng mắc để các chính sách này đi vào thực tiễn. “Tìm kiếm công nghệ để phát triển điện rác là rất cấp bách trong bối cảnh Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 55 về phát triển năng lượng bền vững”.
Can co che thoang de phat trien du an nang luong dien rac-Hinh-3
 Dù là dự án điện rác tiêu biểu tại Việt Nam, nhà máy điện rác Cần Thơ vẫn chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn về công nghệ xử lý rác tiên tiến.
Nhìn từ thực tế triển khai dự án điện rác tại địa phương, ông Tô Văn Hùng – Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng cho rằng hiện thành phố này chưa lựa chọn được đơn vị đầu tư nào có công nghệ điện rác phù hợp và tối ưu nhất. “Có tới 26 nhà đầu tư quan tâm đến dự án nhà máy đốt rác phát điện (quy mô 1.000 tấn/ngày) Đà Nẵng đang kêu gọi đầu tư, nhưng qua sàng lọc chưa có nhà đầu tư nào đáp ứng được các yêu cầu”, ông Hùng cho hay và thông tin thêm kinh phí cũng là một vấn đề để lựa chọn công nghệ đốt rác. “Hiện chúng tôi đang thuê đơn vị chôn lấp với giá 42.000 đồng/tấn rác, trong khi báo giá của nhà đầu tư dự án điện rác thì con số này thấp nhất cũng hơn 20 USD (tương đương gần 500.000 đồng)/tấn”.
Cần cơ chế thoáng để phát triển điện rác
Hiện nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã có sẵn vốn và công nghệ để đầu tư cho điện rác nhưng họ chưa thực hiện được do vướng không ít rào cản về chính sách. Nội tại trong ngành TN&MT, Giám đốc Sở TNMT Đà Nẵng Tô Văn Hùng cho rằng quy trình tiếp cận 1 dự án đốt rác phát điện rất phức tạp, rất mất thời gian. Dự án đầu tư xử lý chất thải rắn theo hình thức công tư (PPP) thì riêng khâu thủ tục đầu tư cần thiết lựa chọn nhà đầu tư đã mất đến 1 – 2 năm, sau đó còn hàng loạt thủ tục đầu tư xây dựng như thẩm định thiết kế, báo cáo đánh giá tác động môi trường…. kéo dài thêm nhiều năm nữa.
Can co che thoang de phat trien du an nang luong dien rac-Hinh-4
Ông Nguyễn Quang Huân - Chủ tịch HĐQT Công ty Halcom Việt Nam cho rằng còn nhiều vướng mắc trong cơ chế, chính sách để các nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực năng lượng điện rác. 
Là một nhà đầu tư “mặn mà” với các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, trong đó có điện tác, ông Nguyễn Quang Huân – Chủ tịch HĐQT Công ty Halcom Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam cho rằng Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đã đề cập sâu đến việc phát triển năng lượng điện rác ưu tiên áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, nhưng các địa phương còn khá “thận trọng” do công nghệ mới, mà không có tiêu chí cụ thể, chưa được Bộ ngành hướng dẫn thì địa phương không dám đi tiên phong áp dụng.
Bên cạnh đó, cơ chế chưa minh bạch, chưa có sự đồng hành của Bộ, ngành chính quyền khi trong quá trình nhà đầu tư tìm hiểu một dự án điện rác. “Nhà đầu tư sợ nhất là chính quyền lúc đầu hứa, lúc sau thay đổi. Chúng tôi cần có sự đồng hành và cần tính tiên phong của của các đô thị lớn áp dụng các công nghệ đốt rác phát điện tiên tiến mới”, ông Huân nói.
Theo Vũ Lê/ Công Thương