Tháng 10 này,
Instagram tròn 10 tuổi. Cách đây 10 năm, nhiều người tỏ ra không mấy hứng thú với ứng dụng này vì họ cho rằng Instagram chẳng khác gì Facebook.
10 năm sau, ứng dụng chia sẻ ảnh này đã có đến gần 1 tỷ người dùng hoạt động hằng tháng, nhiều hơn hầu hết các mạng xã hội khác như Twitter hay Pinterest.
* Quá trình ra đời của Instagram
Đứng sau thành công của Instagram là hai thanh niên người Mỹ Kevin Systrom và Mike Krieger. Tuy nhiên, nói về cha đẻ thực sự của ứng dụng chụp ảnh này phải nhắc tới Kevin Systrom, sinh ngày 30/12/1983 tại Massachusetts, Mỹ.
Khởi nghiệp là một chuyên viên marketing, đã từng có cơ hội làm việc tại Google, thậm chí được Mark Zuckerberg chiêu mộ về Facebook với mức lương ngất ngưởng, nhưng chàng trai này lại quyết định tự mình xây dựng một "đế chế" riêng.
Kevin bắt đầu thực hiện kế hoạch mở một trang mạng xã hội hàng đầu thế giới bằng cách tự học các ngôn ngữ lập trình sau giờ làm việc. Kết quả đầu tiên của anh chính là Burbn, tiền thân của Instagram, một ứng dụng dùng để "check in" là chính.
Nắm bắt tâm lý khi người ta đang vui vẻ thì xin gì cũng dễ, chàng trai này bắt đầu thường xuyên tham gia các bữa tiệc hội tụ những nhân vật tiếng tăm.
Tháng 1/2010, Kevin nhận được khoản đầu tư 500.000 USD từ hai vị đại gia trong một buổi tiệc tùng. Có tiền trong tay, Kevin bỏ công việc tại Nextstop, một công ty chuyên về du lịch để chạy theo ước mơ của mình. Sau đó, anh chàng hợp tác với Mike Krieger, bạn đồng môn cùng học tại Stanford. Cả hai cùng nhau bước những bước đầu tiên trong hành trình chinh phục các tín đồ nhiếp ảnh.
Bộ đôi bắt đầu mổ xẻ Burbn và quyết định loại bỏ hết các tính năng thừa thãi, chỉ tập trung duy nhất vào khả năng chia sẻ ảnh. Qua một tuần làm việc cùng nhau, Kevin và Mike cho ra đời một ứng dụng ảnh... xấu mù.
Trước tình trạng “chữa lợn què thành lợn cụt”, không còn cách nào khác, cả hai đành trở về với nguyên bản của ứng dụng Burbn.
Tuy nhiên, nếu cứ thế mà đưa Burbn ra thị trường thì số tiền đầu tư nửa triệu USD chẳng có tác dụng gì, hơn nữa, các tính năng của Burbn vẫn còn đang rất lộn xộn. Kevin và Mike lại một lần nữa “đập đi xây lại”, tập trung duy nhất cho tính năng chia sẻ ảnh, đồng thời đặt lại tên cho "đứa con chung".
Mới đầu, ứng dụng này được thiết kế để dành riêng cho iPhone 4, khi đó mới trình làng khả năng chụp ảnh cực đẹp. Lúc đó, iPhone có một phụ kiện gây sốt là ống kính Holga, một cụm các ống kính gắn tấm lọc để chỉnh màu cho ảnh chụp, mang lại cho người sử dụng các bức ảnh có tính "nghệ". Nắm bắt được xu hướng này, Kevin và Mike đã thiết kế tính năng tương tự cho ứng dụng của chính mình.
Cuối cùng sau 8 tuần miệt mài, thành quả của cặp đôi chính là ứng dụng Instagram, cái tên được ghép từ Insta và Telegram. Ứng dụng này sau đó chính thức lên kệ vào ngày 6/10/2010, mang trong mình khả năng "chơi ảnh" vô cùng đặc sắc.
Chỉ vài giờ sau khi ra mắt, Instagram đã có tới 10.000 lượt tải về. Một ngày trôi qua, con số đã lên tới 25.000 lượt, đưa "đứa con chung" của Kevin và Mike nhanh chóng leo lên vị trí ứng dụng ảnh số 1 trên App Store. Và trong đầu năm 2012, mạng xã hội nổi tiếng này đã "quy về dưới trướng" đại gia Facebook với khoản lót tay là 1 tỷ USD.
* Làm thay đổi lối sống của giới trẻ
Ứng dụng chia sẻ hình ảnh và video này nhanh chóng vươn lên thành một trong những mạng xã hội có sức ảnh hưởng mạnh nhất, nhất là với giới trẻ. Trong một bài viết gần đây nhìn lại 25 ứng dụng có ảnh hưởng nhất trong 10 năm qua, biên tập viên Eric Franklin của trang CNET không ngần ngại gọi Instagram là “một trong những app quan trọng nhất của thập kỷ vừa qua”.
Một trong những ảnh hưởng dễ nhận thấy nhất của Instagram lên cuộc sống là việc ứng dụng này đã khiến thói quen ăn uống của nhiều người thay đổi. “Chụp hình trước, ăn sau” không còn là chuyện lạ.
Thói quen này cách đây 10 năm không có. Không phải tự nhiên mà hashtag #foodporn trên Instagram cho ra đến 214,6 triệu kết quả. (Food porn là thuật ngữ chỉ việc trình bày món ảnh một cách bắt mắt, “khêu gợi”, kích thích thị giác phổ biến trên mạng xã hội).
Ngày nay, người ta sẵn sàng xếp hàng hàng giờ để mua cho được chiếc bánh, ly trà sữa ở tiệm đang “hot” rồi đăng lên Instagram khoe “chiến lợi phẩm”. Tỷ lệ thuận với nhu cầu “khoe” ảnh món ăn, yêu cầu về một bức ảnh đẹp và tất nhiên món ăn cũng phải đẹp càng được đẩy lên cao hơn bao giờ hết.
Đặc biệt, với thiết kế chuyên dụng cho việc chia sẻ hình ảnh và video, “thời đại Instagram” còn chứng kiến sự bùng nổ của một thế hệ food blogger/reviewer, những người không ngại bỏ thời gian và công sức để có được những bức ảnh khiến follower (người theo dõi) của mình thòm thèm, và tất nhiên là giúp có thêm nhiều follower khác.
Là nền tảng thuần hình ảnh và video, Instagram cũng trở thành mảnh đất màu mỡ cho các loại hình kinh doanh chuộng quảng cáo bằng hình ảnh, như ăn uống, thời trang..., đặc biệt là với giới trẻ. Về phía Instagram, ứng dụng này cũng không ngừng cho ra các tính năng mới phục vụ người dùng như IGTV cho phép phát video dài đến 1 tiếng, hỗ trợ book lịch hẹn ở spa, đồng thời học thói quen người dùng để hiển thị quảng cáo có liên quan.
Thế nhưng, Instagram bị cảnh báo là “mạng xã hội nguy hiểm nhất” đối với sức khỏe tâm thần của người dùng, theo một khảo sát có tên #StatusOfMind của Hiệp hội Sức khỏe cộng đồng Hoàng gia Anh năm 2017.
Tờ Forbes từng công bố một khảo sát được tiến hành trên gần 1.500 người ở lứa tuổi từ 14 đến 24 ở Anh. Nhóm nghiên cứu yêu cầu những người tham gia đánh giá tác động của các mạng xã hội lên 14 vấn đề sức khỏe tâm thần của họ, trong đó có nạn bắt nạt, lo lắng, trầm cảm và tâm lý FOMO. FOMO là cụm từ viết tắt của fear of missing out, có nghĩa là “sợ bỏ lỡ điều gì đó”. Kết quả, Instagram xếp hạng “tiêu cực nhất” so với các ứng dụng khác là Snapchat, Twitter, YouTube và Facebook.
Dù vậy, với tính năng độc đáo, cùng khả năng chia sẻ ảnh phong phú, Instagram đến nay vẫn chưa một lần phải nhường vị trí số 1 của mình cho bất cứ ứng dụng ảnh nào khác./.
Theo Minh Hằng/Bnews