Chế tạo Robot HUET02 hỗ trợ quân đội phòng, chống dịch COVID-19

Google News

Khoa Kỹ thuật và Công nghệ (Đại học Huế) đã bàn giao ROBOT HUET 02 cho Bộ Chỉ huy Quân sự Thừa Thiên - Huế để hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, để hạn chế sự tiếp xúc giữa nhân viên và người bệnh, tránh lây nhiễm chéo, Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học Huế đã nghiên cứu chế tạo Robot HUET02.
Đây là Robot thứ 2 được nhóm sinh viên thuộc câu lạc bộ ROBOCON-HUET dưới sự cố vấn của các giảng viên Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học Huế nghiên cứu và chế tạo thành công.
Theo TS. Nguyễn Quang Lịch, Phó Trưởng khoa Kỹ Thuật và Công Nghệ cho biết, Robot HUET02 có thể vận chuyển 35kg nhu yếu phẩm, thực hiện giao tiếp online giữa người điều khiển và người được hỗ trợ, bảo đảm khoảng cách an toàn trên 25m thông qua app điều khiển trên điện thoại di động hoặc hệ thống điều khiển.
Che tao Robot HUET02 ho tro quan doi phong, chong dich COVID-19
 Đại học Huế bàn giao ROBOT HUET 02 cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: GDVN
Robot đo nhiệt độ và hiển thị nhiệt độ lên màn hình led; được trang bị camera để ghi, phát trực tiếp quá trình đo nhiệt độ và thông số nhiệt độ hiển thị trên màn hình led (có file video lưu). Nhân viên có thể ghi chép nhiệt độ từ xa hoặc lưu lại thông tin trên điện thoại di động bằng phần mềm hỗ trợ. Robot có thể phát âm thanh thông báo, mời gọi người cách ly nhận nhu yếu phẩm, đo nhiệt độ (nội dung thông báo có thể thay đổi linh động tùy tình hình thực tế tại khu cách ly hay trong bệnh viện giã chiến).
Robot Phục vụ được thiết kế, chế tạo với cơ chế vận hành đơn giản, dễ sử dụng nhằm tiện chuyển giao đến khu cách ly, hỗ trợ thực hiện công việc thiết yếu hằng ngày tại đó.
Trung tá Lê Văn Lĩnh, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế, Bộ Chỉ huy sẽ sử dụng Robot HUET02 ngay vào nhiệm vụ đưa cơm phục vụ công dân có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao đang thực hiện cách ly theo quy định tại khu cách ly tập trung do đơn vị quản lý. Qua đó, góp phần hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp bằng tay giữa cán bộ chiến sĩ phục vụ cách ly và người cách ly; giữ được khoảng cách an toàn trong tình hình dịch diễn biến phức tạp, nguy cơ lây bệnh cao do tiếp xúc trực tiếp giữa người bệnh và người phục vụ.
Trong tương lai, nếu ứng dụng tốt thì sẽ liên hệ với khoa tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất với chức năng cao hơn để phục vụ tốt hơn trong thời gian tới.
Tiến sĩ Nguyễn Quang cũng cho biết thêm, đơn vị đang tiếp tục nghiên cứu để hoàn thành thêm mẫu robot có chức năng đo nồng độ oxy trong máu, đo nhịp tim và đồng bộ dữ liệu về hệ thống trung tâm để thuận lợi cho việc theo dõi và giám sát người cách ly cũng như bệnh nhân. Tuy nhiên hiện nay nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 nên việc mua hàng, đặt vật tư thiết bị để làm robot rất khó khăn, khiến nhóm nghiên cứu liên tục phải điều chỉnh vật tư phù hợp.
Hệ thống robot hỗ trợ đắc lực trong phòng, chống dịch COVID-19
Trước đó, hệ thống robot y tế vận chuyển VIBOT - một sản phẩm của nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia do Bộ KH&CN đặt hàng Học viện Kỹ thuật quân sự (KTQS) thực hiện - đã hỗ trợ đắc lực cho việc điều trị bệnh nhân COVID-19, góp phần giảm tải cho nhân viên y tế, tránh lây nhiễm chéo trong khu vực cách ly. 
Sản phẩm chính của đề tài là hệ thống robot y tế vận chuyển (được đặt tên là VIBOT) có chức năng thay thế nhân viên y tế vận chuyển các giá đựng đồ ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm và các đồ vật khác từ khu vực tập kết (ở ngoài khu cách ly) đến các buồng bệnh (trong khu cách ly) để cung cấp cho người bệnh; vận chuyển giá đựng rác đến các buồng bệnh để nhận rác và ra khu tập kết rác thải; di chuyển đến các buồng bệnh để y, bác sĩ, người nhà (ở ngoài khu cách ly) giao tiếp từ xa với bệnh nhân.
Tới phiên bản VIBOT-2, ngoài các tính năng giao tiếp và truyền thông kế thừa được từ sản phẩm giai đoạn 1, đã có thay đổi để đáp ứng yêu cầu về tính thông minh, đồng bộ, tự chủ cao, khả năng điều khiển đồng thời nhiều robot với nhiệm vụ đa dạng trong phạm vi rộng.
Ngoài ra, ở phiên bản VIBOT-2, hệ thống còn được phát triển thêm 2 giao thức điều khiển robot là giám sát, điều khiển robot từ thiết bị cầm tay có kết nối wifi (như laptop, máy tính bảng, điện thoại thông minh…) hoặc điều khiển trực tiếp trên màn hình của robot. Chính vì thế, việc mở rộng phạm vi hoạt động của robot hoặc bổ sung số lượng robot để hoạt động theo nhóm có thể được thực hiện dễ dàng.
Phiên bản này đã được triển khai tại nhiều bệnh viện như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang đúng vào giai đoạn dịch bệnh COVID-19 tại Bắc Giang diễn biến phức tạp nhất... Và sau đó, đoàn công tác của Học viện KTQS đã lên đường triển khai hệ thống VIBOT-2 tại Bệnh viện dã chiến số 7 (phường An Khánh, TP. Thủ Đức, TPHCM).
Nhận xét về hệ thống VIBOT-2 đang triển khai tại Bệnh viện dã chiến số 7, bác sĩ Trần Minh Tuấn, Bệnh viện Quân y 175 cho biết: “Trước đây, khi chưa có robot hỗ trợ, mỗi ngày, một nhóm dân quân tự vệ khoảng 6-7 người sẽ mất gần 2 giờ đồng hồ để phát cơm cho khoảng 10 tầng của bệnh viện. Nhưng hiện giờ, mỗi robot sẽ phụ trách 4-5 tầng, hoạt động liên tục trong khoảng một giờ đồng hồ là có thể phát hết cơm cho các phòng bệnh”.
Ngày 23/7, Hội đồng KH&CN Tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đã họp, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ đạt mức xuất sắc và kiến nghị tiếp tục hoàn thiện công nghệ, đầu tư sản xuất thêm các hệ thống VIBOT để phục vụ phòng, chống dịch.
Hoàng Minh