Chiêm ngưỡng loài hoa lớn nhất thế giới

Google News

Nhà thực vật học Chris Thorogo tới rừng nhiệt đới đảo Luzon - Philippines để ngắm Rafflesia banaoana - loài hoa lớn nhất thế giới.

Sau khi đi 10 nghìn dặm, và chinh phục địa hình hiểm hóc của rừng mưa nhiệt đới Luzon, nhà thực vật học Chris Thorogood cuối cùng đã thấy được loài hoa quý hiếm ông đã hằng ao ước từ 30 năm trước.

Ông Thorogood, 38 tuổi, vào tháng trước đã trở thành người phương Tây đầu tiên nhìn thấy Rafflesia banaoana - một loài hoa đốm đỏ trông như đến từ thế giới khác. Trải nghiệm này đã khiến ông cảm động đến rơi nước mắt. “Thật khó diễn tả thành lời. Hành trình khá căng thẳng, tuy nhiên mọi thứ đều xứng đáng khi bạn được chứng kiến một thứ phi thường, hiếm có và là một tác phẩm nghệ thuật của thiên nhiên mà bạn không thể nhìn thấy ở bất kỳ nơi nào khác. Được ngồi bên cạnh nó làm tôi xúc động” ông nói.

Ông Chris Thorogood cùng với “loài thực vật kỳ lạ nhất thế giới”

Rafflesia banaoana là loài hoa hiếm nhất và khó tìm thấy nhất trong chủng loại được đặt theo tên của Ngài Stamford Raffles, người sáng lập ra Singapore hiện đại. Những bông hoa này chỉ xuất hiện trong các khu rừng nhiệt đới sâu trong đảo Luzon ở Philippines.

Ông Thorogood, phó giám đốc Vườn thực vật Oxford, mô tả nó là “loài thực vật kỳ lạ nhất thế giới”. Nhà thực vật học cũng chỉ ra rằng mặc dù ông là người phương Tây đầu tiên tìm thấy Rafflesia, nhưng trải nghiệm này sẽ không thể xảy ra nếu không có Mục sư Malabrigo Jr. và Adriane Tobias, thuộc Đại học Philippines, hai nhà thực vật học đã từng nhìn thấy bông hoa. Cộng đồng người Banao bản địa, những người sở hữu vùng đất, đã cho phép bộ ba đi vào những vùng xa xôi của rừng nhiệt đới, hộ tống họ đến bông hoa bằng một con đường mòn xuyên qua thảm thực vật rậm rạp và nguy hiểm.

Ông Thorogood, tác giả của cuốn sách có tựa đề “Những loài cây kỳ lạ”, cho biết điều quan trọng là chúng ta phải hiểu các loài quý hiếm để chúng được bảo vệ tốt hơn. “Hai phần ba loài thực vật trên thế giới đang bị đe dọa tuyệt chủng, điều này thật đáng báo động”, ông cho biết và nhấn mạnh thêm: “Chúng ta không thể bảo tồn hoặc bảo vệ thứ gì đó nếu chúng ta không hề biết nó tồn tại”.

Ông Thorogood hiện chưa tiết lộ về các chuyến thám hiểm tiếp theo của mình. “Với hơn 400.000 loài thực vật khác nhau, có một sự đa dạng đến đáng kinh ngạc. Vì vậy, rất khó để chỉ chọn một hoặc hai nơi để đi. Nhưng tôi chắc chắn đang có rất nhiều loài cây hiếm đang chờ đón tôi”.

Theo Ngọc Diệp/Tiền phong