Chiến sỹ thông tin đắc lực một thời

Google News

Chim bồ câu là biểu tượng hòa bình được nhiều người biết đến, tuy nhiên, loài chim mà con người thuần hóa lần đầu tiên cách đây hơn 5.000 năm này từng tham gia các cuộc chiến tranh với vai trò “chiến sĩ thông tin” - chuyển thư.

Tại sao chim bồ câu lại trở thành người đưa tin lý tưởng?

Chuyển thư bằng chim bồ câu đối với chúng ta dường như là một di tích của quá khứ, mặc dù việc sử dụng chim bồ câu chuyển các thông tin dưới dạng văn bản vẫn tiếp tục diễn ra vào đầu thế kỷ 20 tại nhiều nước trên thế giới. Ngày nay, nó là “thư hàng không” lâu đời nhất từng được con người sử dụng, nhờ khả năng tuyệt vời của chim bồ câu đã được tổ tiên xa xưa của chúng ta biết đến.

Chim bồ câu được sử dụng để đưa thư từ rất sớm; Nguồn: topwar.ru
Chim bồ câu được sử dụng để đưa thư từ rất sớm; Nguồn: topwar.ru.

Bồ câu có khả năng vượt qua 1.000km hoặc xa hơn để về nhà, đã được người Hy Lạp, La Mã, Ai Cập và Ba Tư cổ đại và sau đó người Gaul và người Đức cổ đại biết đến. Việc sử dụng chim bồ câu cũng rất đa dạng - không chỉ để chuyển mệnh lệnh, thông tin quân sự mà còn cả cho mục đích thương mại. Trước khi con người phát minh ra điện báo vào năm 1832, thư chuyển bằng bồ câu đã được sử dụng rộng rãi bởi các nhà môi giới và nhà tài chính của thị trường chứng khoán.

Khả năng tìm đường về nhà độc đáo của chim bồ câu đã không ngừng được con người hoàn thiện và củng cố thông qua việc chọn chim, lai tạo, nhân giống và huấn luyện. Những con chim bồ câu đưa thư tốt nhất tìm được đường về nhà cách hàng nghìn km và có thể làm được điều đó sau vài năm vắng mặt tại địa bàn. Ưu điểm của phương pháp liên lạc này là tốc độ bay của chim cao (không dưới 100km/h; tối đa - có thể đạt tới 185km/h).

Điều đáng ngạc nhiên là ngay cả ngày nay, các nhà khoa học cũng không thể giải thích đầy đủ khả năng của chim bồ câu tìm đường về nhà cách xa hàng nghìn km, xác định chính xác hướng bay và tìm được ngôi nhà mong muốn giữa hàng nghìn ngôi nhà khác. Chim bồ câu được biết là loài có thị lực rất tinh tường; giống như con người và các loài linh trưởng, chim bồ câu có thể phân biệt màu sắc của cầu vồng và có thể nhìn thấy tia cực tím. Người Mỹ đã cố gắng sử dụng lợi thế này để tìm kiếm nạn nhân trên biển.

Các thí nghiệm vào những năm 1980 cho thấy, chim rất giỏi trong việc tìm kiếm áo phao màu cam. Ngoài thị lực tinh tường, chim bồ câu có khả năng ghi nhớ lộ trình rất tốt. Một số nhà khoa học tin rằng những con chim này có thể phát hiện từ trường và định hướng bằng mặt trời, giúp chúng tìm đường về nhà; hệ thống cảm thụ từ tính là một trong những thiết bị định hướng của chim bồ câu, nằm ở gốc mỏ chim.

Trong Thế chiến I

Chim bồ câu bắt đầu được sử dụng đại trà, bài bản trong quân sự hầu như ở khắp mọi nơi ở Châu Âu sau Chiến tranh Pháp-Phổ 1870-1871. Đó là thời điểm mà mối liên hệ quân sự-chim bồ câu bước vào thời kỳ hoàng kim. Chim bồ câu "liên lạc" đã thể hiện mình một cách xuất sắc trong cuộc vây hãm Paris, không chỉ gửi thư công việc mà còn cả thư cá nhân đến thành phố này, là phương tiện chính để chuyển thư đến thành phố bị bao vây.

Việc sử dụng bồ câu đưa thư rất phổ biến trong quân đội các nước châu Âu vào thế kỷ 19; Nguồn: topwar.ru
Việc sử dụng bồ câu đưa thư rất phổ biến trong quân đội các nước châu Âu vào thế kỷ 19; Nguồn: topwar.ru.

Sau khi Chiến tranh Pháp-Phổ kết thúc, việc sử dụng chim bồ câu cho mục đích quân sự lan rộng khắp châu Âu. Đầu chiến tranh Nga-Thổ 1877-1878, trong binh chủng công binh quân đội đế quốc Nga xuất hiện thêm hàng không và liên lạc bằng chim bồ câu. Cuối thế kỷ 19, các phân đội chim bồ câu đưa thư đã hình thành trong nhiều quân đội châu Âu, được triển khai tại các thành phố và pháo đài quan trọng.

Trong Thế chiến I, cơ sở để liên lạc quân sự bằng chim bồ câu là một trạm chim bồ câu cố định hoặc di động (dã chiến), có thể được đặt trên xe đẩy hoặc xe hơi được trang bị đặc biệt. Trung bình, phạm vi hoạt động của các trạm bồ câu cố định khoảng 300-500km, của các trạm di động ngắn hơn (50-150km).

Thông tin liên lạc nhờ bồ câu những năm đó có những “tính năng kỹ-chiến thuật” như sau: tốc độ truyền tin trung bình 70km/h, độ cao bay của chim khoảng 300m; việc huấn luyện chim bồ câu chuyển thư mất khoảng 2-3 năm; 4 giống chính được sử dụng để đưa thư gồm bồ câu Flanders (hoặc Brussels), Antwerp, Luttih và bồ câu Anh; bồ câu có thể bay tới 1.000km sau 3 năm tuổi; tuổi thọ của bồ câu 25 năm và thời gian có thể làm “nghĩa vụ quân sự” của chúng lên tới 15 năm.

Tin được mã hóa dưới định dạng thu nhỏ đặt trong ống kim loại hoặc buộc vào lông đuôi bồ câu; Nguồn: topwar.ru
Tin được mã hóa dưới định dạng thu nhỏ đặt trong ống kim loại hoặc buộc vào lông đuôi bồ câu; Nguồn: topwar.ru.

Các chú chim bồ câu mang theo những tin nhắn được viết trên những mảnh giấy mỏng (dài 16,5 cm, rộng 6,5 cm) ở định dạng thu nhỏ được đặt trong một ống kim loại đặc biệt thường được gắn vào chân chim. Tại các trạm nuôi chim bồ câu của quân đội Nga, các công văn được cuộn lại, cho vào ống làm từ lông chim bồ câu hoặc lông ngỗng, sau đó bịt kín cả hai đầu và buộc vào một hoặc hai chiếc lông đuôi của chim bồ câu.

Để chắc ăn, ba con chim bồ câu thường được phái đi cùng một lúc, đề phòng 10-30% “chiến sỹ liên lạc” lông bông không thể đến được mục tiêu vì nhiều lý do khác nhau. Nơi các trận chiến đấu diễn ra, chúng có thể trở thành nạn nhân, ngoài ra, chim bồ câu còn có đối thủ tự nhiên là những chú chim săn mồi. Trong cuộc vây hãm Paris, quân Đức đã cố gắng sử dụng diều hâu được huấn luyện đặc biệt để đánh chặn những con bồ câu đưa thư.

Chim bồ câu được sử dụng đại trà trong Thế chiến I theo nhiều cách khác nhau - chúng được thả từ máy bay đang bay trên bầu trời và từ những chiếc xe tăng đầu tiên tham chiến. Vào cuối cuộc chiến, quân đội của các đồng minh của Đế quốc Nga (Anh, Pháp và Hoa Kỳ) có khoảng 400.000con chim bồ câu quân sự đưa thư, trong khi quân đội Đức có khoảng 150.000 con. Trong chiến tranh, người Pháp và Anh đã huy động khoảng 65.000 con chim bồ câu từ các chủ sở hữu tư nhân.

Hải quân và Không quân Hoàng gia Anh sử dụng rộng rãi bồ câu đưa thư; Nguồn: topwar.ru
Hải quân và Không quân Hoàng gia Anh sử dụng rộng rãi bồ câu đưa thư; Nguồn: topwar.ru.

Sự phát triển của liên lạc hữu tuyến và đặc biệt là vô tuyến, đã thế chỗ liên lạc nhờ chim bồ câu. Mặc dù vậy, nhiều quốc gia đã đánh giá cao sự đóng góp và công lao của những chú chim bồ câu. Ngay cả trong những năm chiến tranh, ở Brussels, một tượng đài đã được khánh thành để tưởng nhớ những “chiến binh lông vũ” đã hy sinh vì con người trong chiến tranh.

Trong Thế chiến II

Bất chấp sự phát triển vượt bậc của công nghệ và sự lan rộng của liên lạc vô tuyến, chim bồ câu đã được sử dụng để liên lạc trong Thế chiến II bởi các chiến binh kháng chiến ở châu Âu, cũng như du kích và những người hoạt động bí mật ở Liên Xô. Trong những năm chiến tranh, Cơ quan Tình báo Anh đã tiến hành Chiến dịch “Columba” quy mô lớn - thả nhiều chim bồ câu được huấn luyện đặc biệt trên lãnh thổ châu Âu bị chiếm đóng để người dân địa phương chia sẻ thông tin tình báo.

Trong chiến tranh, cả bộ chỉ huy Liên Xô và Đức đều thực hiện các biện pháp mạnh nhằm kiểm soát chặt chẽ chim bồ câu đưa thư. Khi quân Đức tiếp cận Moscow vào mùa thu năm 1941, chỉ huy quân sự của thành phố đã ký lệnh giao nộp những con chim cho cảnh sát, ngăn chặn việc sử dụng kênh liên lạc này của các phần tử thù địch chống phá Liên Xô. Đức Quốc xã tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng đã hành động theo cách tương tự, tất cả chim bồ câu đều bị bắt, tách khỏi dân chúng và bị tiêu hủy; quân Đức trừng phạt những người giấu bồ câu bằng án tử hình.

Tượng đài vinh danh những “chiến binh lông vũ” ở Brussels (Bỉ); Nguồn: topwar.ru
Tượng đài vinh danh những “chiến binh lông vũ” ở Brussels (Bỉ); Nguồn: topwar.ru.

Trong Hồng quân, chim bồ câu liên lạc được sử dụng khá hạn chế, chủ yếu phục vụ các bộ phận trinh sát của quân đội. Đầu mùa hè năm 1942, một trạm chim bồ câu đã được triển khai trong vùng hoạt động của Phương diện quân Kalinin. Trong một tháng làm việc, trạm được thay đổi vị trí bốn lần, nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động của sứ giả lông vũ. Dữ liệu thống kê cho thấy, thiệt hại của chim bồ câu đưa thư trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại là đáng kể. Cứ sau hai tháng, có tới 30% số chim bồ câu được huấn luyện bị chết vì mảnh đạn pháo và bom mìn.

Ở Anh, chim bồ câu được sử dụng cho mục đích quân sự rất rộng do đặc thù của các lực lượng vũ trang của nước này trong Hải quân, Không quân Hoàng gia, và Cục Tình báo. Trong hạm đội, chim bồ câu đưa thư được vận chuyển trên tàu nổi và tàu ngầm, nhằm cung cấp thông tin có tọa độ trong trường hợp xảy ra thảm họa phục vụ tổ chức các hoạt động cứu hộ. Tổng cộng, trong những năm chiến tranh ở Vương quốc Anh có tới 250.000 con chim bồ câu “ra trận”, một nửa trong số đó được huy động từ các chủ sở hữu tư nhân.

Trong Không quân Hoàng gia, 2 chim bồ câu trong giỏ chống thấm nước đặc biệt có thể được đưa lên máy bay ném bom hoặc máy bay trinh sát bay đến các vùng lãnh thổ bị quân Đức chiếm đóng. Trong trường hợp khẩn cấp và không thể sử dụng liên lạc vô tuyến, những con chim bồ câu được cho là sẽ cung cấp thông tin về vị trí của máy bay. Trong khi hạ cánh khẩn cấp hoặc rơi, vị trí được ghi lại dưới dạng mật mã và được đặt trong một hộp trên chân chim gửi về sở chỉ huy.

Một số loài chim đã được đặt tên, ví dụ, chim bồ câu “Royal Blue”, mà ngày 10/10/1940 bay 120 dặm trong 4 giờ 10 phút là đầu mối đầu tiên đưa thông điệp báo một chiếc máy bay Anh bị bắn rơi đã hạ cánh khẩn cấp xuống vùng lãnh thổ Hà Lan do Đức Quốc xã chiếm đóng. Nhờ việc cung cấp thông tin về vị trí của kíp lái vào tháng 3/1945, một con bồ câu đã được trao tặng Huân chương Deakin. Sau chiến tranh, Không quân Hoàng gia Anh cho biết, khoảng 1/7 phi hành đoàn Anh bị bắn rơi trên biển đã được cứu sống nhờ những thông điệp được gửi qua những con chim bồ câu đưa thư.

Theo Lê Ngọc/VOV