Chiều buông Đan viện Châu Sơn

Google News

Nho Quan kề ngay địa đầu phía Bắc của xứ Thanh chỉ cách Thành Nhà Hồ Vĩnh Lộc quê tôi vài chục cây số!

Vậy nên buổi chiều chớm đông này tình cờ lạc bước vào xứ Đan viện Châu Sơn của đất Nho Quan cứ như chút giận mình như hối lỗi rằng hà cớ chi hằng bao năm mình lại để xổng một địa danh bắt mắt này?

Chieu buong Dan vien Chau Son

Đan Viện Châu Sơn

Như đột ngột ló dạng giữa nước biếc non xanh. Như từ giời xanh rót xuống một Thánh đường Đan viện Châu Sơn và những ngôi nhà khuất nẻo ẩn sâu trong khoảng không gian xanh mà tạo hóa bày biện đến khéo hòa hợp những thế núi, hình sông, con hồ. Tòa thánh đường cùng các khối kiến trúc bao quanh đều kiểu gotique xứ Âu, nhưng tuyền xây bằng thứ gạch tự nung màu đỏ nâu không trát, ngó hao hao như công trình Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn.

Hiếm hoi có một chiều đông tạnh ráo khô khén. Miệt mài không biết là bao nhiêu những sải chân mà tôi đã vòng lên vòng xuống quanh những lối đi rải sỏi sạch tinh trong khuôn viên của Thánh đường.

Cái tên Châu Sơn địa danh xứ này thì rõ rồi! Nhưng còn Đan viện? Phải chăng cái sắc hồng tía của thứ gạch nung màu sắc chủ đạo của lối xây cất độc đáo này đã bầu nên tên ấy? Đan tâm - lòng son. Tự dưng cứ váng vất câu cổ thi (Nhân sinh tự cổ thùy vô tử/ Lưu thử đan tâm chiếu hãn thanh - Đời người sau trước ai không chết/ Cốt để lòng son rạng sử xanh). Vậy Đan viện là để chỉ cái áo khoác ngoài màu hồng của ngôi Thánh đường này chăng?

Tôi tò mò níu hỏi mấy chàng trai trẻ đang trồng cây quét tước về đức cha coi sóc nơi này. Một chú sau rảo nhanh vào phía trong. Lát sau đi ra là một người đàn ông hơi khó đoán tuổi người manh mảnh. Làn gấu áo bảo hộ xắn cao chứng tỏ người ấy đang làm việc.

Tôi may mắn được diện kiến Linh mục Simon Nguyễn Văn Hào, người coi sóc Thánh đường này; được ngồi với vị linh mục có nụ cười cởi mở và mặn chuyện trên chiếc ghế đá trong khuôn viên. Ông xoa hai bàn tay lấm láp và bộc bạch rằng đang dở tay với khóm địa lan mà “các chú vừa kiếm được trên núi về”.

Linh mục Nguyễn Văn Hào cười xòa thông cảm, cắt nghĩa từ Đan viện để “chỉnh” lại cái thói giàu trí tưởng bở suy diễn của tôi. Hóa ra Đan viện là một dòng tu khổ hạnh có tên gọi là Xito. Mục đích chính của các tu sĩ dòng này là hoàn thiện đời sống thiêng liêng qua con đường chiêm niệm và hy sinh. Mục đích thứ hai là cầu nguyện và hy sinh cho ơn cứu độ lương dân. Dòng tu này có từ lâu trên thế giới. Dòng Xitô thường tìm đến nơi hẻo lánh hoang vu, rừng thiêng nước độc; biến đổi những sa mạc, những đầm lầy thành đô thị của lời kinh tiếng hát.

Ở Việt Nam, Xito hiện diện chỉ non trăm năm nay. Và xuất hiện ở Châu Sơn Ninh Bình của xứ đạo Phát Diệm cũng mới chỉ hơn 70 năm cùng với việc xây cất Đan viện Châu Sơn này.

Câu chuyện của Linh mục Nguyễn Văn Hào đưa tôi về một quá vãng gần. Tôi lại may mắn được cha ưu ái cho tiếp cận với một ít tài liệu mà cha nói là đang chuẩn bị để xuất bản một cuốn sách về Đan Viện.

Chieu buong Dan vien Chau Son-Hinh-2

Tác giả trong hành lang Đan viện

Vùng rừng Chi Nê, Nho Quan thuộc địa phận Phát Diệm. Một quá vãng bi thương tít xa từ thời Minh Mạng - Thiệu Trị - Tự Đức, tại xứ rừng thiêng nước độc này từng có những vị giám mục, linh mục và giáo dân đã tìm đến lánh nạn trong những năm cấm đạo khốc liệt.

Đan viện Châu Sơn ngày trước là Đồn điền Lacombe dài 12 km, rộng 9 km, nằm trong địa bàn huyện Nho Quan. Đất Ninh Bình có rất nhiều đồn điền như Lacombe.

Rồi đồn điền bị bỏ hoang.

Một quá vãng gian nan thương khó. Châu Sơn là dòng khổ tu, đan sĩ là thầy dòng khổ tu. Các đan sĩ sống đời nghiêm nhặt, khắc khổ. Ăn chay, kiêng thịt, đánh tội, thinh lặng… Thức ăn hằng ngày chỉ là rau quả trong vườn. Giường nằm là một tấm phản (dài 1,80m, rộng 0,60m), gối gỗ, đắp chiếu, không có chăn màn.

Chieu buong Dan vien Chau Son-Hinh-3

Một chuyến hành hương. Ảnh: Du Lịch Ninh Bình

Trong những năm mới thành lập, rừng rậm mênh mang vây quanh Đan viện. Nhung nhúc nhiều muỗi gây chứng sốt rét. Trước mặt các tu sĩ là khu đồn điền bỏ hoang, chung quanh là núi đá, rừng hoang, cây cỏ um tùm, nơi sinh sống của rắn rết, hùm beo! Vậy nên chỉ sau vài tháng định cư, hầu hết các đan sĩ bắt đầu bị sốt rét. Trong vòng hai tháng năm 1937 đã có ba đan sĩ và hai cố dòng ra đi vĩnh viễn vì sốt rét. Trong những năm tiếp theo lần lượt nhiều đan sĩ nữa bị bệnh sốt rét quật ngã. Tính đến năm 1953, sau 17 năm lập dòng, đã có 17 đan sĩ và nhiều cố dòng tạ thế, tất tật do chứng sốt rét. Nhưng các đan sĩ không nản lòng. Họ lại càng sốt sắng dấn thân gắn bó với Châu Sơn. Cha Bề trên lúc đó thường tâm sự: “Lúc bấy giờ vì lòng mến Chúa, vì ao ước phúc thiên đàng nên anh em không hề ngại gian lao khổ cực, mà còn mong được phúc chết sớm”!

Đời sống cộng đoàn Châu Sơn dần được cải thiện. Để đáp ứng nhu cầu ơn gọi ngày càng đông, cộng đoàn phải xây dựng thêm cơ sở vật chất. Đồ án được phác hoạ phù hợp với truyền thống đan tu chiêm niệm: Nhà thờ là trung tâm, tiếp sau nhà thờ là dãy nhà dành cho sinh hoạt cộng đoàn như: phòng họp, thư viện, phòng ăn. Hai bên nhà thờ là nhà khấn và nhà tập.

Chuyện của Linh mục Nguyễn Văn Hào cũng như trong tài liệu nói nhiều về một vị khai sơn phá thạch dòng Xito Châu Sơn.

Đó là người từng được truyền tụng “Cha Thánh Trưởng”. Thánh đường Châu Sơn được xây cất phần lớn nhờ tiền khấn và cầu nguyện của ngài. “Cha Thánh Trưởng” sống bình dân, khó nghèo, đạo đức, thánh thiện. Ngài đã cầu nguyện cho nhiều người được ơn lạ. Danh tiếng của ngài được đồn thổi khắp nơi, từ Bắc chí Nam đều có người đến xin ngài cầu nguyện. “Cha Thánh Trưởng” tạ thế ngày 23/8/1954. Ngài được an nghỉ tại tháp chuông Thánh đường Châu Sơn.

Thời hợp tác hóa, Đan viện chỉ còn một phần nhỏ đất màu và ruộng cấy. Có những lúc trong nhà hết lương thực, các thầy phải đi làm thuê để kiếm tiền sinh sống. Trong những năm tháng khó khăn, các đan sĩ chỉ dùng có hai bữa trong ngày: bữa sáng điểm tâm, bữa trưa ăn vào lúc 13 giờ.

Tài liệu có ghi.

Thầy Phanxicô Liệu làm bếp nấu cơm ghế bằng đu đủ thái mỏng, độn cơm sắn, nấu canh bằng củ sắn, luộc củ sắn ăn độn… Thầy còn luộc hạt mít, bóc ra, rang mặn làm thức ăn.

Chieu buong Dan vien Chau Son-Hinh-4

Bên trong thánh đường Châu Sơn

...Ngó hai bàn tay lấm lem của cha Hào đang xoa vào nhau cho sạch bụi đất, tôi như thoáng chứng kiến một cảm giác hài lòng. Tôi biết trong bài báo nhỏ này chả thể dung chứa phản ánh những gắng gỏi đáng nể của đoàn tu khổ hạnh thời gian qua. Đời Đổi Mới, Giáo hội cũng Đổi Mới! Họ đã mau chóng bắt nhịp sự cởi mở của chính quyền sở tại để có một Đan viện với cơ ngơi và cảnh trí bắt mắt như này. Đan viện Châu Sơn dần dà thành một trung tâm tu tập tốt Đời đẹp Đạo của địa phận Phát Diệm. Và là một điểm son điểm nhấn của du lịch tham quan Ninh Bình.

Vào Đan viện du khách không phải mua vé. Hằng ngày liên tục có khách viếng thăm. Rất nhiều đoàn, nhóm các bạn trẻ Công giáo đến Đan viện theo bước đường hành hương và những đợt tu tập ngắn hạn hoặc dài hạn.

Thoáng nhanh trong tôi một ý nghĩ, một dự định rằng được can dự vào một buổi tu tập ấy với tư cách một du khách! Tại sao không?

 
Theo Trịnh Huyên/tiền phong