|
Chó mẹ Miracle Milly nhỏ nhất thế giới (cao 9,65cm, nặng 0,54kg) sau khi được nhân bản 49 chó con, lập kỷ lục “Chó được nhân bản vô tính nhiều nhất thế giới”. |
Chó Chihuahua là giống chó nuôi nhỏ nhất thế giới, có nguồn gốc từ bang Chihuahua ở Mexico, rất thông minh và thích hợp để làm bầu bạn với người.
Giống chó này có thân mình dài hơn chiều cao cơ thể, đầu tròn, mõm ngắn, tai nhọn, mắt đen to tròn, cao trung bình 15 – 23cm, nặng trung bình dưới 3kg và có tuổi thọ từ 14-18 năm.
Miracle Milly do cô Vanesa Semler 38 tuổi nuôi dưỡng tại nhà riêng ở thành phố Kissimmee (hạt Osceola, bang Florida, Mỹ). Kỷ lục xác lập vào tháng 6.2018, khi Milly được Quỹ nghiên cứu Công nghệ Sinh học Sooam (Soam Biotech Research Foundation – SBRF) ở Hàn Quốc nhân bản vô tính trong suốt hai năm và cho ra đời sơ sơ… 49 chó con khỏe mạnh, nhỏ nhắn và dễ thương, giống mẹ y như đúc!
|
Milly phá kỷ lục“Chó còn sống nhỏ nhất thế giới”. |
Vanessa Semler là giám đốc điều hành Công ty Hollywood Chris – một công ty chuyên nuôi dưỡng, nhân giống và nhân bản vô tính các giống chó chihuahua đặc biệt nhất, có trụ sở ở thành phố Orlando (hạt Orange, bang Florida, Mỹ). Vanessa và SBRF quyết định nhân bản 49 con, trong đó 12 con dành cho Vanesa để nuôi và bán cho người có nhu cầu, số còn lại dùng trong nghiên cứu khoa học.
Vanessa từng có thời gian sống ở thành phố Dorado (vùng bờ biển phía bắc Puerto Rico) và chăm sóc chó mẹ chihuahua đang mang thai. Vào ngày 1.12.2011, chó mẹ này đã sinh ra ba “nàng” chó: hai “chị” phát triển bình thường, riêng “nàng út” Miracle Milly nặng chưa đến 1 ounce (28,35g) và siêu tí hon, có thể nằm cuộn tròn trong một chiếc muỗng.
Khi Vanessa đến Kissimmee định cư, cô mang theo mẹ con Milly. Vì miệng của Milly quá bé, không thể bú sữa mẹ, nên cô kiên trì dùng vỏ lọ thuốc nhỏ mắt để bón sữa và thức ăn lỏng mỗi 2 giờ/1 lần, nuôi nó suốt nhiều tháng. Nhờ đó, sức khỏe Milly dần dần tốt hơn, nhưng vóc dáng vẫn siêu tí hon.
|
Vanessa Semler (chủ nhân chó mẹ Milly) và các chó con nhân bản từ Milly, khỏe mạnh và bé nhỏ giống mẹ như đúc! |
Sau khi tìm hiểu thông tin về chó nhỏ nhất thế giới trong Sách kỷ lục Guinness (Đó là “nàng” chó Boo Boo cũng thuộc giống chihuahua, cao 10,16cm, do chủ nhân Lana Elswick nuôi dưỡng ở thành phố Raceland, hạt Greenup, bang Kentucky, Mỹ xác lập kỷ lục từ ngày 12.5.2007), Vanesa nhận thấy Milly còn nhỏ bé hơn, nên cô mạnh dạn đăng ký lập kỷ lục cho Milly.
Ngày 21.2.2013, Tổ chức Guinness Thế giới (có trụ sở ở London, Anh) đã chứng nhận Milly phá kỷ lục“Chó còn sống nhỏ nhất thế giới”, với trọng lượng 0,5kg, dài 6,6cm và chỉ cao vẻn vẹn… 9,65cm, đồng thời giới thiệu “nàng” trong Sách kỷ lục Guinness Thế giới 2014.
Từ đó đến nay, “nàng” đã 6 tuổi, vẫn giữ vững kỷ lục này, vẫn cao 9,65cm, nhưng trọng lượng có nhỉnh hơn trước, nặng 0,54kg, tương đương một quả táo lớn!
Hiện nay, “nàng” rất khỏe và năng động, mê ăn thịt gà và cá hồi tươi, có hàng triệu fan hâm mộ trên mạng từ khi “nàng” xác lập kỷ lục thứ hai “Chó được nhân bản vô tính nhiều nhất thế giới”. Quỹ nghiên cứu Công nghệ Sinh học Sooam (SBRF) là cơ sở nghiên cứu công nghệ sinh học tiên tiến cho các ứng dụng công nghiệp và y sinh, sử dụng kỹ thuật nhân bản động vật và tế bào gốc đa năng kết hợp với công nghệ chuyển gene. Quỹ này có trụ sở ở quận Guro, Tây Nam thủ đô Seoul (Hàn Quốc).
Tiền thân của Quỹ là Công ty Soam được Woo Suk Hwang, bác sĩ thú y kiêm nhà nghiên cứu khoa học sáng lập năm 2006, chuyên cung cấp dịch vụ nhân bản vô tính động vật với giá từ 100.000 USD/ca trở lên và từng khiến giới y học phải bàn luận về khía cạnh đạo đức và sức khỏe động vật nhân bản.
Các nhà khoa học hy vọng khi nhân bản chó Milly, họ sẽ khám phá được mã di truyền kỳ lạ khiến Milly giữ vững danh hiệu “Chó còn sống nhỏ nhất thế giới” suốt nhiều năm nay.
|
49 con chó được nhân bản từ chó mẹ Milly, giống nhau và giống mẹ, dùng để nghiên cứu và bán cho người có nhu cầu. |
Vào tháng 8.2017, lứa chó 12 con đầu tiên được nhân bản từ Milly đã được sinh ra, sau đó chúng được Vanessa Semler nuôi dưỡng tại nhà cô với 12 cái tên gần giống Milly: Molly, Mally, Melly, Mully, Mumu, Mila, Mary, Mimi, Moni, Mini, Mela và Mulan. Chúng thông minh, nhanh nhẹn và rất giống chó mẹ Milly, nhưng vài con có vóc dáng hơi lớn hơn mẹ.
Đến tháng 6.2018, việc nhân bản chó Milly được hoàn thành, với tổng cộng 49 chó con dễ thương chào đời và phát triển khỏe mạnh, cũng có kích thước siêu nhỏ như mẹ chúng. Ngoại trừ 12 con đang sống với Semler, số còn lại được các chuyên gia dùng vào việc nghiên cứu, khám phá mã di truyền đặc biệt của bộ gene chó Milly, để giải đáp câu hỏi: Điều gì khiến chó Milly siêu nhỏ?
“Chúng tôi sẽ làm việc với giám đốc và bốn chuyên gia nổi tiếng thế giới đến từ Viện nghiên cứu Cấu trúc gene Bắc Kinh (Beijing Genomics Institute) cũng như các nhà y sinh học danh tiếng khác để mô tả các yếu tố di truyền và cận di truyền (epi-genetic) của chó Milly nguyên gốc và chó Milly nhân bản. Dữ liệu nghiên cứu sẽ được phân tích để chuẩn bị xuất bản bài báo khoa học”, David Kim, chuyên gia của SBRF cho biết.
Năm 1996, các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Roslin ở Edinburgh (thủ đô Scotland) đã dùng tế bào vú của cừu mẹ Finn Dorset, 6 tuổi để tiến hành 277 đợt nhân bản vô tính và kết quả có một con cừu nhân bản có tên Dolly còn sống sót và phát triển.
Milly nhỏ nhất thế giới Ngày nay, kỹ thuật nhân bản mà các nhà khoa học SBRF sử dụng là sự phát triển phương pháp nhân bản cừu Dolly – sự chuyển đổi nhân tế bào soma/sinh dưỡng (Somatic Cell Nuclear Transfer – SCNT, kỹ thuật tiên phong liên quan đến việc trích xuất và cấy nhân tế bào của một tế bào trưởng thành vào một tế bào trứng không được thụ tinh mà nhân của chính nó đã được loại bỏ).
Đầu tiên, các tế bào từ vật nuôi ban đầu được nhân bản (tức là tái sinh bằng phương pháp vô tính bằng cách nhân một chuỗi DNA thành nhiều bản giống nhau); đồng thời nhân tế bào – tế bào chỉ huy trung tâm chứa thông tin di truyền của vật nuôi – được trích xuất và lưu lại.
Sau đó, một tế bào trứng từ vật nuôi ban đầu được thu thập, đồng thời nhân tế bào của nó được thay thế bằng nhân tế bào trích xuất của vật nuôi đã được nhân bản (tức là cấy nhân tế bào đã trích xuất vào tế bào trứng đã loại bỏ nhân của vật nuôi ban đầu). Tế bào trứng lai tiếp tục được kích thích sự phân chia và tạo phôi bằng cú sốc điện nhỏ.
Sau vài ngày, phôi thai đang phát triển sẽ được đặt trở lại vào bụng cơ thể vật nuôi thay thế. Vật nuôi thay thế có thể không cùng giống loài với vật nuôi ban đầu, nhưng điều lý tưởng là nó phải có kích thước tương tự.
|
“Sự chuyển đổi nhân tế bào sinh dưỡng” là kỹ thuật nhân bản chó Milly, phát triển từ phương pháp nhân bản cừu Dolly. |
Trước đây, SBRF đã từng nhân bản thành công các con chó cưng của một số người nổi tiếng. Chẳng hạn Barbra Streisand (sinh năm 1942, diễn viên, ca sĩ kiêm đạo diễn, nhà sản xuất phim của Mỹ) đã từng nhân bản con chó yêu quý của bà.
Cách đây vài năm, Barry Diller (sinh năm 1942, tỉ phú Mỹ) và vợ là Diane von Furstenberg (sinh năm 1946, nhà thiết kế thời trang người Bỉ) cũng đã nhân bản chú chó Jack Russell terrier (loài chó sục nhỏ, chân ngắn, lông trắng đốm đen, nâu, vàng nhạt) rất trung thành với họ. Chó nhân bản vẫn đang sống khỏe mạnh trong nhà họ.
SBRF cũng từng nhân bản thành công nhiều sniffer dog (chó trinh thám được huấn luyện để tìm chất nổ, ma túy, hàng lậu,…) cho cơ quan an ninh Nga, cũng như có tham vọng tái tạo loài voi mammoth thời tiền sử bằng cách nhân bản tế bào xác ướp loài này (đã được phát hiện) trong tương lai.
Theo KTNN/nguoidothi