Sự tiến hóa của loài chim cánh cụt luôn là một bài toán khó đối với các nhà khoa học. Những câu hỏi kiểu như: tổ tiên của chim cánh cụt to cỡ nào, có biết bay không?... chưa từng được giải đáp một cách chính xác.
Thế nhưng mới đây, tấm màn bí ẩn về loài chim cánh cụt đã được hé mở khi các nhà nghiên cứu tại New Zealand và Đức tìm thấy hóa thạch của một con chim cánh cụt cao tới 150cm, sống ở thời kỳ Paleocen cách đây 61 triệu năm. Hóa thạch này được tìm thấy gần sông Waipara (New Zealand), nên được đặt tên là “chim cánh cụt khổng lồ Waipara”
|
Chim cánh cụt Waipara (giữa) cao tới 150cm, lớn hơn nhiều so với loài cánh cụt hiện đại (trái) và cao gần bằng con người hiện đại (phải). |
Theo kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Science of Nature, các mẩu xương chim cánh cụt mới được tìm thấy mang những đặc tính khác biệt đáng kể so với nhiều hóa thạch chim cánh cụt khác từng được khai quật.
Tác giả chính của công trình nghiên cứu - tiến sĩ Gerald Mayr đến từ Viện nghiên cứu Senckenberg (Frankfurt, Đức) cho biết: “Trong bộ hóa thạch chim cánh cụt mới được tìm thấy, phần xương chân có kích thước khá lớn.”
Nói cách khác, chim cánh cụt cổ đại từng có kích thước khổng lồ, lớn hơn chim cánh cụt hiện đại rất nhiều. Việc tăng kích thước này dường như đã bắt đầu ngay sau khi loài chim này trở mất khả năng bay.
Loài chim cánh cụt khổng lồ tồn tại ít nhất 30 triệu năm, từ giữa thời kì Paleocen đến cuối thời kì Oligocen.
Danh hiệu hóa thạch chim cánh cụt lớn nhất từng được tìm thấy thuộc về một cá thể cánh cụt được đặt tên Anthropornis nordenskjoeldi. Cá thể này được cho là đã sống ở Nam Cực vào khoảng 33 đến 45 triệu năm trước, có chiều cao lên tới 180cm.
Hiện, loài chim cánh cụt có kích thước lớn nhất là chim cánh cụt Hoàng đế, nhưng chúng cũng chỉ cao khoảng 120cm.
Theo Minh Hạnh/Tiền Phong