Chùm vệ tinh hơn 4.000 chiếc quay quanh Trái Đất rò rỉ bức xạ

Google News

Nghiên cứu mới nhất đã phát hiện ra việc hàng nghìn vệ tinh nhân tạo gây ra bức xạ có hại cho thiên văn nói chung.

Hệ thống vệ tinh Starlink thuộc sở hữu của tỷ phú Elon Musk (CEO của SpaceX) và nhằm mục đích sử dụng một loạt vệ tinh để cung cấp dịch vụ Internet từ xa. Điểm thu hút đặc biệt của Starlink là việc sử dụng vệ tinh thay vì liên kết dữ liệu bằng cáp, cho phép người dân ở các vùng nông thôn, cũng như những người ở xa nền văn minh, chẳng hạn như tàu trên biển xa, sử dụng Internet phổ rộng.
Có hơn 1,5 triệu người đăng ký hệ thống Internet không gian Starlink trên 56 quốc gia rải khắp thế giới. Số lượng vệ tinh Starlink đã hoạt động vượt xa bất kỳ đối thủ nào của nó, bao gồm cả mạng lưới OneWeb của Vương quốc Anh với khoảng 650 vệ tinh.
Tuy nhiên, để làm như vậy, Starlink đã tạo ra một mạng lưới rộng lớn gồm khoảng 4.400 vệ tinh quay quanh quỹ đạo trải rộng trên toàn cầu và đó là một vấn đề tiềm ẩn.
Mạng lưới vệ tinh dày đặc quay Trái Đất: Ai bị ảnh hưởng?
Theo một nghiên cứu mới, hệ thống mạng lưới vệ tinh Starlink của SpaceX đang phát ra bức xạ lớn có hại cho thiên văn học vũ trụ, The Independent (Anh) thông tin.
Các tác giả cho rằng các thiết bị điện tử trong hàng nghìn vệ tinh nhân tạo lớn đang tạo ra bức xạ điện từ trong các khu vực được thiết kế đặc biệt để phù hợp với kính viễn vọng không gian, gây nhiễu loạn cho các thiết bị có độ nhạy cao này khi quan sát vùng không gian xa xôi.
Mạng Internet trên không gian được tạo thành từ hơn 4.400 vệ tinh trên vùng Quỹ đạo tầm thấp của Trái Đất (LEO) - vệ tinh mới nhất được phóng vào tối ngày 9/7/2023. Ông chủ của công ty SpaceX, tỷ phú người Mỹ Elon Musk, không có ý dừng lại ở con số 4.400 vệ tinh mà có kế hoạch mở rộng mạng lưới Starlink lên gần 12.000 vệ tinh trong vài năm tới.
Các nhà thiên văn học trước đây đã phàn nàn về ô nhiễm ánh sáng từ các cụm vệ tinh Starlink, chúng gây ảnh hưởng đến các quan sát quang học. Tuy nhiên nghiên cứu mới nhất đã phát hiện ra việc hàng nghìn vệ tinh nhân tạo gây ra bức xạ có hại cho thiên văn nói chung.
Các nhà thiên văn học đã đưa ra một số bằng chứng trực tiếp đầu tiên chứng minh rằng các vệ tinh Starlink đang can thiệp vào nghiên cứu không gian sâu, với lượng khí thải của chúng trôi ra ngoài các dải được phân bổ.
Các nhà khoa học sử dụng kính viễn vọng Mảng tần số thấp (LOFAR), được tạo thành từ 20.000 ăng-ten vô tuyến được phân bổ khắp 52 địa điểm trên khắp châu Âu, và phát hiện ra rò rỉ điện từ trong số 68 vệ tinh Starlink quan sát được.
“Với LOFAR, chúng tôi đã phát hiện ra bức xạ có tần số từ 110 đến 188 MHz từ 47 trong số 68 vệ tinh" - Cees Bassa, nhà thiên văn học tại Viện Thiên văn vô tuyến Hà Lan và đồng tác giả của nghiên cứu cho biết.
Chum ve tinh hon 4.000 chiec quay quanh Trai Dat ro ri buc xa
Hình ảnh minh họa hệ thống mạng lưới vệ tinh Starlink dày đặc bao trùm kính viễn vọng LOFAR ở mặt đất. Nguồn: Daniëlle Futselaar/Liên minh Thiên văn Quốc tế
Sự phát xạ này dường như là không cố ý, đến từ các thiết bị điện tử của vệ tinh. Đến nay, nó cũng không phạm vào bất kỳ quy tắc nào. Ở đây trên Trái Đất, Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế đặt ra những hạn chế nghiêm ngặt đối với các thiết bị điện để kiểm soát nhiễu điện từ, nhưng những quy tắc đó không áp dụng trong không gian.
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, nếu tỷ phú Elon Musk không ngừng phóng vệ tinh lên LEO thì việc rò rỉ bức xạ sẽ trở thành vấn đề lớn.
"Các mô phỏng của chúng tôi cho thấy mạng lưới vệ tinh Starlink càng lớn thì hiệu ứng này càng trở nên trầm trọng khi phát ra lượng bức xạ từ tất cả các vệ tinh cộng lại" - Benjamin Winkel, nhà nghiên cứu từ Viện Thiên văn vô tuyến Max Planck ở Đức cho biết.
"Điều này khiến chúng tôi lo lắng không chỉ về các vệ tinh hiện có mà thậm chí còn lo lắng hơn về những vệ tinh đã được lên kế hoạch phóng trong nhiều năm tới và cả về việc thiếu quy định rõ ràng để bảo vệ các dải thiên văn vô tuyến khỏi bức xạ ngoài ý muốn, nhằm phục vụ cho các quan sát vũ trụ sâu hơn của loài người", ông nói.
Chum ve tinh hon 4.000 chiec quay quanh Trai Dat ro ri buc xa-Hinh-2
Tỷ phú Mỹ gốc Nam Phi Elon Musk là chủ công ty SpaceX, sở hữu Starlink. Ảnh: Internet
SpaceX trước đây đã làm việc với các nhà thiên văn học và đài quan sát để giúp giảm thiểu các tác động không chủ ý của các vệ tinh và công ty đã liên hệ với các tác giả của nghiên cứu.
Theo các nhà thiên văn học, SpaceX đã đưa ra những thay đổi thiết kế có thể ngăn chặn sự phát xạ ngoài ý muốn từ các vệ tinh Starlink thế hệ tiếp theo của công ty. The Independent đã liên hệ với SpaceX để biết thêm thông tin về những thay đổi này.
Gyula Jozsa, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: "Chúng tôi tin rằng việc sớm nhận ra tình huống này sẽ mang lại cho các nhà thiên văn học và SpaceX cơ hội hợp tác cùng nhau để chủ động giảm thiểu các nguy cơ trên không gian, song song với các cuộc thảo luận cần thiết để phát triển các quy định phù hợp. Mục đích chung lớn nhất là tạo ra sự phát triển vững mạnh trong công nghệ và thiên văn học".
Nghiên cứu có tiêu đề 'Bức xạ điện từ ngoài ý muốn từ các vệ tinh Starlink được phát hiện bằng LOFAR trong khoảng từ 110 đến 188 MHz', đã được công bố trên tạp chí Astronomy & Astrophysics.
Theo Trang Ly/ Phụ nữ Việt Nam