Sau khi bị đưa vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ, nhiều hãng công nghệ Mỹ quay lưng với Huawei. Google là người nổ phát súng đầu tiên khi rút giấy phép sử dụng Android của hãng này.
Tuy nhiên, hãng Trung Quốc đã nhanh chóng tiết lộ kế hoạch ra mắt hệ điều hành tự phát triển có tên mã là HongMeng OS. Kể từ đó đến nay, Huawei đã nhiều lần “tung hỏa mù” về dự án hệ điều hành này.
HongMeng không cạnh tranh với Android, cũng chẳng dành cho smartphone?
Ông Richard Yu, Giám đốc điều hành mảng thiết bị tiêu dùng của Huawei từng khẳng định có khả năng HongMeng OS sẽ được sử dụng để thay thế cho Android. Ông Yu cũng xác nhận Huawei đã bắt đầu phát triển HongMeng từ năm 2012, theo SCMP.
|
Có thể chúng ta đã nhầm. Sẽ chẳng có hệ điều hành HongMeng nào dành cho smartphone cả. Tuy nhiên, điều đó lại hoàn toàn hợp lý. Ảnh: Reuters. |
Nhà sáng lập và CEO tập đoàn Huawei, ông Nhậm Chính Phi cũng nhiều lần nhắc đến HongMeng OS trong những bài phỏng vấn. Ông Nhậm không ít lần úp mở về tốc độ của HongMeng, cho rằng nó còn có thể nhanh hơn cả Android.
Thậm chí, có nhiều tin đồn cho rằng ứng dụng Android có thể chạy trên cả HongMeng OS, giúp cho khả năng thay thế cho Android trên smartphone thuyết phục hơn.
Tuy nhiên, phát ngôn mới đây của Chủ tịch Huawei, ông Lương Hoa có thể gây khó hiểu cho nhiều người. Vào ngày 12/7, ông Hoa cho biết Huawei “chưa quyết định có phát triển HongMeng thành hệ điều hành smartphone hay không”.
Như vậy, sau gần 2 tháng chờ đợi, có thể HongMeng không thực sự là giải pháp thay thế Android như nhiều người từng trông đợi.
|
Những lãnh đạo Huawei đã liên tục "tung hỏa mù" về hệ điều hành HongMeng. Đến nay, cận kề ngày ra mắt, tầm nhìn của họ mới thể hiện rõ. Ảnh: Bloomberg. |
Dù không sử dụng cho smartphone, HongMeng OS không phải một “cú lừa”. Hệ điều hành này thực chất vẫn được sử dụng cho thiết bị IoT. Đó là điều được cả ông Hoa và ông Nhậm khẳng định. Theo SCMP, nhiều khả năng thiết bị đầu tiên được trang bị hệ điều hành HongMeng sẽ là TV thông minh từ Honor, thương hiệu con của Huawei.
“Nó giống như một chiếc smartphone, nhưng lớn hơn 100 lần. Đây không phải là một chiếc TV mà là tương lai của TV”, Chủ tịch Honor, ông Zhao Ming chia sẻ về thiết bị này. Chiếc “TV tương lai” của Honor sẽ được ra mắt vào tháng 8.
Như vậy, HongMeng có thể không cạnh tranh với Android như mong đợi, mà giống như một phiên bản Tizen, webOS của Huawei hơn.
Đây mới là tầm nhìn thực sự của HongMeng OS
Cả 2 hệ điều hành nói trên, nay chủ yếu do Samsung và LG phát triển, đều có nhiều điểm chung với HongMeng OS. Ban đầu, chúng được phát triển cho smartphone. Với webOS, khi mới xuất hiện trên điện thoại của Palm hệ điều hành này được đánh giá cao về cử chỉ điều khiển và khả năng đa nhiệm.
Tuy nhiên, smartphone của Palm đã không thể thuyết phục được người dùng và nhanh chóng thất bại. Đến khi được LG mua lại, webOS đã thay đổi và trở thành hệ điều hành trên TV của hãng.
Giống webOS, Tizen ban đầu được phát triển cho smartphone. Tuy nhiên những smartphone chạy Tizen của Samsung đều không mấy ấn tượng, thiếu sức hút hơn hẳn so với chính những smartphone Samsung chạy Android. Đến năm 2015, hãng quyết định kết hợp hệ điều hành Bada vào Tizen và đưa lên TV, đồng hồ thông minh.
Có 2 lý do để Samsung, LG phát triển hệ điều hành của riêng mình. Không giống như trên điện thoại, các phiên bản khác của Android như Android Wear hay Android TV chưa đạt được mức thị phần áp đảo.
Ở thị trường TV, Samsung là hãng sản xuất lớn nhất, do vậy Tizen cũng là hệ điều hành phổ biến nhất với khoảng 21% thị phần. WebOS của LG đứng thứ hai với 12% thị phần. Android TV, dù được rất nhiều hãng sử dụng như Sony, Xiaomi, Sharp, TCL chỉ đứng thứ ba với 10% thị phần. Nói cách khác, “cửa” để chiếm thị phần lớn trong những lĩnh vực này vẫn còn rất sáng.
Bên cạnh đó, Samsung và LG cũng muốn xây dựng một hệ sinh thái các thiết bị thông minh mà mình có thể kiểm soát, thay vì phụ thuộc vào Android của Google.
Samsung đã đưa hệ điều hành này lên tủ lạnh thông minh, LG còn có cả máy chiếu chạy webOS. Khi ngày càng có nhiều thiết bị thông minh, những hệ điều hành của hai hãng Hàn Quốc có thể mở rộng số thiết bị hỗ trợ.
|
HongMeng sẽ thay thế LiteOS, hệ điều hành cho thiết bị thông minh trước đó của Huawei. Tầm nhìn của hãng là cung cấp hệ điều hành này cho thiết bị của cả những nhà sản xuất khác. Ảnh: Huawei. |
Theo chia sẻ của ông Richard Yu đầu năm 2019, Huawei không có kế hoạch sản xuất đồ gia dụng, nhưng sẽ tấn công vào mảng giải pháp. Huawei muốn cung cấp giải pháp IoT cho các thương hiệu khác, chứ không làm sản phẩm hoàn thiện.
Tầm nhìn của Huawei có lẽ là HongMeng chạy trên hàng tỷ thiết bị thông minh trong những năm tới, chứ không phải là khoảng hơn 100 triệu chiếc điện thoại dưới thương hiệu Huawei, Honor.
Trước tiên, HongMeng sẽ được thử sức trong thị trường TV. Theo SCMP, thị trường TV thông minh tại Trung Quốc hiện tại có mức độ cạnh tranh rất cao. Ngoài những thương hiệu nội địa đã quen thuộc, các hãng nổi tiếng với smartphone cũng đang tiến vào thị trường này. Xiaomi đã bán TV vài năm nay, OnePlus nhiều khả năng cũng công bố TV vào tháng 9/2019.
Có thể nhiều người đã nhầm khi cho rằng Huawei ước mơ viển vông với tham vọng thay thế Android trên smartphone. Nỗ lực kéo dài 7 năm của họ không phải dành cho mảng sản phẩm đã chững lại dù lợi nhuận vẫn cao, mà để nhắm tới một thị trường tiềm năng hơn rất nhiều.
Theo Anh Lê/Zing News