|
Đây là hệ thống chụp cắt lớp vi tính hiện đại với thời gian khảo sát chấn thương toàn bộ cơ thể khoảng 4 - 5 giây, giảm liều xạ tới 40% và cho hình ảnh rõ nét ở từng chi tiết. |
Theo PGS.TS Phạm Minh Thông, phó giám đốc kiêm trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Bạch Mai, tại Việt Nam chủ yếu là máy chụp 64 dãy.
Tuy nhiên, có 1/4 lượng bệnh nhân không thể chụp được động mạch vành do một số yếu tố như có nhịp tim cao kể cả sau khi đã dùng thuốc hạ nhịp, chống chỉ định thuốc hạ nhịp tim beta blocker, không phối hợp nhịn thở...
Vì vậy, yêu cầu cấp thiết lắp đặt hệ thống chụp cắt lớp vi tính (CLVT) cấu hình cao hơn nên cuối năm 2011, Bệnh viện Bạch Mai đã lắp đặt máy 256 dãy 2 bóng thế hệ thứ hai và đưa vào sử dụng từ tháng 2/2012.
Đây là hệ thống CLVT thế hệ mới nhất, hiện đại nhất, đầu tiên tại Việt Nam.
PGS.TS Phạm Minh Thông cho biết, máy chụp CLVT 256 dãy sử dụng hai nguồn phát tia: Tube A và tube B nằm cách nhau khoảng 90o,
Vì vậy, vòng quay của bóng nhanh (có thể tới 280 miligiây), phối hợp với tốc độ di chuyển bàn nhanh 458mm/giây nên rút ngắn thời gian khảo sát. Chẳng hạn, với tim mạch < 1 giây và chấn thương toàn bộ cơ thể là < 4 giây.
Đặc biệt, loại máy này đã khắc phục được các nhược điểm của máy 64 dãy như thời gian khảo sát ngắn, không cần dùng thuốc hạ nhịp tim, giảm liều thuốc cản quang, khắc phục được tình trạng nhiễu ảnh do chuyển động của tim của hô hấp, đặc biệt giảm liều chiếu xạ từ mức 8 - 25mSv xuống 1mSv
(trong 1 năm của 1 người bình thường phải chịu là từ 2 - 5mSv, liều xạ tối đa phải chịu trong 1 năm riêng lẻ là < 50mSv hoặc liều xạ < 20mSv/1 năm trong vòng 5 năm)...
Hơn nữa, máy này sử dụng chương trình chụp hai nguồn với hai nguồn phát 140kV (tube A) và 80kV (tube B) vừa có thể đánh giá hệ thống động mạch phổi (xem có nhồi máu phổi hay không) vừa đánh giá tưới máu nhu mô phổi.
Đồng thời có thể dựng cả hình cây khí phế quản trong vòng 0,6 giây mà không cần nhịn thở, thay đổi nhịp tim và không cần dùng gây mê, thích hợp với già yếu, trẻ em, bệnh nhân nặng...
Việc sử dụng hai nguồn phát tia với mức năng lượng khác nhau giúp đánh giá tốt hơn đặc tính mô cần khảo sát, tăng chất lượng hình ảnh và độ phát hiện tổn thương.
Thúy Nga