Dù hổ có tình cảm vẫn phải luôn cảnh giác
Dẫn chúng tôi vào khu chăm sóc hổ đặc biệt của Khu Sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm, anh Hồ Minh Tuấn (43 tuổi), trú xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An cho biết, anh chỉ mới có 2 năm kinh nghiệm làm việc tại nơi đây.
“Thời gian đầu thì cũng hơi sợ, nhưng tiếp xúc với hổ hằng ngày thì nỗi sợ bay đi lúc nào không biết. Mặc dù vậy, để làm việc được nơi này thì mỗi ngày đều phải tự học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước”, anh Tuấn nói.
Theo anh Tuấn, do hổ cùng họ với mèo, quen hơi với người chăm sóc nên với người lạ có thể sẽ hung dữ hơn. Tuy nhiên, mỗi con hổ anh trực tiếp chăm sóc khoảng 4 tháng thì nó cũng phát sinh tình cảm thân thiện với mình hơn.
“Loài hổ xác định qua đánh mùi và thể hiện bằng cách cọ xót đầu vào người mình. Khi chăm một con hổ con từ nhỏ nó sẽ nhận biết mùi của mình nên thậm chí tôi có thể sờ được vào chúng”, anh Tuấn nói.
Trải qua 2 năm làm việc tại nơi nguy hiểm bậc nhất này, anh Tuấn cho biết điều quan trọng là phải giữ an toàn cho bản thân. Lúc nào cũng phải cảnh giác nhưng không được tạo khoảng cách đối với chúng, phải luôn thân thiện và thể hiện mình là bạn của hổ.
“Tuy nhiên, dù hổ có tình cảm với người chăm sóc nhưng khi hổ đã trưởng thành trọng lượng khoảng 50kg thì đặc biệt không được tiếp xúc trực tiếp với nó. Vì bản năng của động vật ăn thịt, máu lạnh, săn mồi luôn tồn tại. Khi mình có những biểu hiện giống con mồi thì hổ sẽ vồ ngay”, anh Tuấn cho biết.
Để tạo ra môi trường sống tốt cho hổ, hàng ngày hổ sẽ được thả ra môi trường tự nhiên rộng khoảng 10ha để chúng thoải mái di chuyển, chạy, nhảy theo bản năng.
Đến khoảng 16h30, anh Tuấn và các cán bộ chăm sóc vườn thú sẽ cho hổ ăn rồi nhốt từng con vào chuồng riêng. Thức ăn của hổ chủ yếu là các loại thịt như: bò, lợn, gà nguyên đùi...
“Quá trình hổ ăn cũng phải theo dõi biểu hiện bỏ ăn hay không. Đặc biệt, phải hiểu được sở thích, tính nết từng con để có biện pháp chăm sóc, cho ăn hợp lý. Đối với việc cho hổ ăn, các nhân viên phải tuân thủ các biện pháp an toàn, chỉ đưa thức ăn qua khe cửa chuồng”, anh Tuấn cho hay.
Người chăm sóc hổ phải không ngừng học hỏi
Anh Nguyễn Đăng Long, Trưởng bộ phận Quản lý Khu sinh thái Diễn Lâm, nói rằng đơn vị hiện nuôi gần 100 loài động vật các loại với hơn 2.000 cá thể. Trong đó, có gần 40 cá thể hổ sinh sản.
Điều khó khăn nhất trong quá trình nuôi dưỡng hổ là phải theo dõi sức khoẻ thường xuyên. Trong đó, việc khám cho hổ là một vấn đề khó khăn vì không thể tiếp xúc trực tiếp với nó nên cần phải có kinh nghiệm nhìn biểu hiện lâm sàng chuẩn đoán. Đồng thời, xác định bệnh qua phân thải của hổ.
Một trong những kỷ niệm mà anh Long nhớ nhất chính là chăm sóc 9 con hổ trong vụ công an giải cứu khi chúng bị người dân giam giữ trong nhà. “Lúc nhận chăm sóc đàn hổ bị chấn động tinh thần nên phải mất hơn một tuần để ổn định lại. Thời gian đầu chúng rất yếu nên chúng tôi phải cho uống sữa và liên tục theo dõi sức khỏe. May mà đến nay sau 6 tháng thì chúng đã tốt hơn rất nhiều”, anh Long nói.
Đối với vấn đề sinh sản của hổ cũng rất đặc biệt, thời gian có bầu của con cái thường 120 ngày, mỗi lần sinh 3-4 con. Nếu trong môi trường nuôi nhốt không tốt thì sức khoẻ sinh sản của hổ thường bị giảm.
Theo anh Long, vòng đời của hổ thường 15 năm trở lại trong môi trường nuôi nhốt. Để nâng cao trình độ nuôi hổ tốt hơn, người chăm sóc phải luôn không ngừng học hỏi, tìm hiểu các tài liệu khoa học vì đây là loài động vật quý hiếm, ít người có kinh nghiệm.
“Rất nhiều người đến đây làm việc rồi không thể trụ lại được mà đã rời đi. Đây là công việc nguy hiểm, họ lo sợ cho bản thân là điều đúng, bởi chỉ một chút sai lầm có thể trả giá. Tất nhiên, để đảm bảo an toàn cho nhân viên chăm sóc, du khách và hạn chế đàn hổ leo trèo qua các tường rào thép, đơn vị quản lý lắp hệ thống xung điện xung quanh”, Trưởng bộ phận Quản lý Khu sinh thái Diễn Lâm nói.
Theo Nguyễn Anh Ngọc/Nguoiduatin