Chuyển đổi số, ứng dụng chống dịch là những điểm nhấn công nghệ 2021

Google News

Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam (ICT Press Club) đã chọn ra 10 sự kiện ICT tiêu biểu trong năm 2021.

Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc bình chọn và công bố được ICT Press Club tiến hành qua hình thức trực tuyến. Trong 10 sự kiện ICT tiêu biểu năm 2021, dấu ấn của Chính phủ khá đậm nét.

Tâm điểm của ICT Việt Nam 2021 là chuyển đổi số. Thủ tướng đã phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025. Để phục vụ cho chính phủ điện tử tiến tới chính phủ số, từ 1/7, hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư chính thức được vận hành kết nối với các bộ, ngành, địa phương sẽ đảm bảo mạng lại nhiều hiệu quả đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhân dân.

Chuyen doi so, ung dung chong dich la nhung diem nhan cong nghe 2021

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo với 1.060 xã, phường, thị trấn tại 20 tỉnh, thành phố. Ảnh: VGP.

Bên cạnh đó, việc quản lý cư dân thông qua mã số định danh cá nhân sẽ góp phần kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư giữa các ngành. Trong đó, mã số định danh cá nhân được coi là chìa khóa để các cơ quan nhà nước kết nối, cập nhật tra cứu thông tin về công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia.

2021 là năm thứ 2 đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến Việt Nam. Trong thời kỳ dịch bệnh, công nghệ vẫn đóng vai trò quan trọng trong phòng chống dịch. PC-Covid được phê duyệt trở thành ứng dụng chống dịch thống nhất. Nền tảng Quản lý tiêm chủng Quốc gia đáp ứng 5 triệu mũi tiêm/ngày tại 63 tỉnh thành trên cả nước.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, học sinh, sinh viên tại nhiều địa phương phải chuyển sang hình thức học trực tuyến. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”, nhằm giúp hàng triệu em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn có thể học tập trực tuyến tại các tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội.

Ngoài ra, chương trình còn phát động việc tổ chức triển khai, vận động, kêu gọi mọi nguồn lực trong xã hội để hướng tới mục tiêu 100% trường học, giáo viên, học sinh, sinh viên được trang bị đầy đủ về hạ tầng, nền tảng, máy tính và các phương tiện phục vụ cho việc dạy và học trực tuyến, qua đó thúc đẩy phát triển xã hội số.

Một trong những điểm nhấn năm 2021 trong bức tranh ICT Việt Nam là việc 3 nhà mạng lớn tại Việt Nam gồm Viettel, VNPT, MobiFone được cấp phép và triển khai thử nghiệm Mobile Money.

Dịch vụ Mobile Money cung cấp các dịch vụ tài chính cho người dân không có tài khoản ngân hàng, không có điều kiện tiếp cận các dịch vụ… thông qua điện thoại di động.

Trong bối cảnh ảm đạm do dịch bệnh Covid-19, sự phát triển của các startup Việt Nam là điểm sáng lớn. Các lĩnh vực thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư nằm ở mảng công nghệ tài chính, GameFi và công nghệ giáo dục. Việc công ty Sky Mavis, nhà phát triển game Axie Infinity với nhiều nhà sáng lập người Việt được định giá 3 tỷ USD vào tháng 10 cho thấy tiềm năng của lĩnh vực blockchain tại Việt Nam.

Theo Xuân Sang/Zing