Con đười ươi nhai lá thuốc đắp lên vết thương để tự chữa lành

Google News

Một con đười ươi đã được quan sát thấy là biết nhai loại lá vốn có thể chữa bệnh và tự đắp lên vết thương hở của chính nó.

Con người từ lâu đã biết là khỉ, đười ươi rất thông minh, có cả những kỹ năng như dùng công cụ để lấy các loại hạt ăn được. Nhưng chưa hết, một nghiên cứu mới cho thấy rằng đười ươi còn sở hữu một kỹ năng có thể coi là bậc cao nữa: Dùng thảo dược.

Đội ngũ của Học viện Hành vi Động vật Max Planck (Đức) viết trên tạp chí Báo cáo Khoa học rằng, khi làm việc ở một khu nghiên cứu tại một rừng nhiệt đới được bảo vệ ở Indonesia, họ theo dõi một con đười ươi đực, gọi là Rakus. Có hôm, họ thấy nó bị một vết thương mới ở mặt, có lẽ do đánh nhau với một con đười ươi khác. 3 ngày sau đó, nhóm nghiên cứu thấy Rakus ăn lá và thân của cây hoàng đằng (Fibraurea tinctoria), một loại cây dây leo.

Rakus với vết thương hở trên mặt. Ảnh: Armas/ Suaq foundation via AP.

Thế rồi Rakus làm một việc mà các nhà nghiên cứu cũng không ngờ tới.

15 phút sau khi bắt đầu ăn cây hoàng đằng, Rakus nhai lá cây này mà không nuốt nữa, rồi dùng các ngón tay lấy phần nước lá từ trong miệng và bôi vào vết thương trên mặt. Rakus lặp đi lặp lại hành động này, rồi đắp lá đã nhai lên toàn bộ vết thương.

Lá của cây hoàng đằng mà Rakus đã dùng để tự chữa vết thương. Ảnh: Saidi Agam/ Suaq Project/ PA.

Đây là lần đầu tiên một động vật hoang dã được quan sát thấy tự biết điều trị vết thương hở của mình một cách rất hợp lý, bằng một chất đã được biết là có dược tính. Mà bình thường, đười ươi không ăn loài cây này, theo thông tin từ Học viện Max Planck, được đăng trên trangCBS. Còn trước đây, một số động vật hoang dã cũng được thấy có nhai, nuốt một số loại cây có dược tính, nhưng các nhà khoa học chưa bao giờ thấy chúng cố ý dùng cây để chữa lành những vết thương mới.

Vài tuần sau, gần như không thấy vết thương trên mặt Rakus nữa. Ảnh: Armas/ Suaq foundation via AP.

Tiến sĩ Caroline Schuppli, người đứng đầu nghiên cứu, kể, dường như Rakus sử dụng cây hoàng đằng một cách có chủ ý, nhưng không rõ nó tự tìm ra cách điều trị vết thương thế này hay học từ những con đười ươi khác, dù đội nghiên cứu không thấy Rakus đi với con đười ươi nào khác cả.

Các nhà khoa học cho rằng, hành động của Rakus chứng tỏ nó có khả năng nhận thức cơ bản nên mới biết dùng thuốc điều trị vết thương, nhưng con người vẫn chưa thực sự biết rằng động vật hiểu biết nhiều đến đâu về việc chữa bệnh bằng các phương pháp tự nhiên, và liệu việc quan sát động vật tự chữa bệnh có phải là một trong những điểm khởi đầu của y học thời xa xưa hay không.

Nhóm nghiên cứu dự định theo dõi sát những con đười ươi khác xem liệu chúng có hành động tương tự Rakus không.

Theo Tiền phong