(Kienthuc.net.vn) - Ngày 5/4, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn (NN&PTNT) đã chủ trì Hội nghị thông báo kết quả khảo nghiệm ngô biến đổi gen sau gần 3 năm khảo nghiệm.
Ngô biến đổi gen đã được khảo nghiệm một lần trên diện hẹp và hai lần đưa ra khảo nghiệm diện rộng tại các vùng miền sinh thái khác nhau thuộc cả miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên và Đông Nam bộ.
Theo báo cáo, các giống ngô chuyển gen của 3 công ty tham gia khảo nghiệm (Dekalb, Syngenta và Pioneer Hi-Bred Việt Nam) đã được công nhận là không có biểu hiện nguy cơ trở thành cỏ dại, dịch hại hay xâm lấn môi trường và đa dạng sinh học, đồng thời không ảnh hưởng tới các loài sinh vật không chủ đích. Đây là các giống ngô thuộc hai dòng kháng sâu và kháng thuốc diệt cỏ glyphosate.
|
Đoàn nông dân tham quan khu vực khảo nghiệm ngô chuyển gen Đắk Lắk |
Kết quả đánh giá cho thấy tính ổn định của các giống ngô chuyển gen thông qua sự so sánh về đặc điểm kiểu hình và nông học với đối chứng không chuyển gen. Kết quả đánh giá về mức độ mẫn cảm với một số bệnh hại chính trên ngô như bệnh đốm lá, bệnh khô vằn, bệnh rỉ sắt và bệnh đốm nâu được theo dõi qua 3 giai đoạn sinh trưởng của cây ngô ở từng điểm khảo nghiệm, cho thấy tính mẫn cảm của ngô chuyển gen đối với các loại bệnh hại chủ yếu trên cây ngô hoàn toàn tương tự so với đối chứng không chuyển gen.
Từ đó cho thấy, việc đưa ngô chuyển gen vào canh tác thực tế không biểu hiện nguy cơ ảnh hưởng đến hệ thống canh tác ngô hiện nay.
Ngoài ra, Hội đồng An toàn Sinh học của Bộ NN&PTNT còn đưa ra đánh giá an toàn của giống ngô chuyển gen với đa dạng quần thể côn trùng không chủ đích và quần thể sinh vật đất. Nhìn chung, các kết quả cho thấy ngô biến đổi gen không gây ảnh hưởng bất lợi đến mức độ phong phú và tính đa dạng của động vật chân khớp nhỏ.
Thứ Trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng khẳng định toàn bộ quá trình khảo nghiệm được triển khai theo tinh thần của Nghị định 69/2010/NĐ-CP của Chính phủ về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật biến đổi gen.
Các đơn vị tham gia khảo nghiệm đã được Bộ NN-NT chỉ định và giao trọng trách, bao gồm Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam, Viện Bảo vệ thực vật, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật thực hiện khảo nghiệm, dưới sự giám sát của Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ NN-PTNT), phối hợp cùng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Bộ TN-MT), và các Sở TNMT, sở NN-PTNT tại các tỉnh lựa chọn khảo nghiệm.
Thứ trưởng cũng ghi nhận sự nỗ lực làm việc nghiêm túc của các cán bộ chịu trách nhiệm để đưa tới kết quả đầy đủ và khách quan này.
|
Lãnh đạo Bộ NN thăm ruộng ngô chuyển gen tại Vĩnh Phúc |
Trước thắc mắc của các nhà khoa học về căn cứ xây dựng phương pháp khảo nghiệm và phương thức triển khai, TS. Nguyễn Văn Tuất, Phó Giám đốc Viện khoa học nông nghiệp, Chủ tịch Hội đồng An toàn sinh học Bộ NN&PTNT cho rằng Hội đồng an toàn sinh học của Bộ NN đã được thành lập vào tháng 11, bao gồm các chuyên gia và nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực khoa học công nghệ nông nghiệp.
Hơn nữa, quy trình tiến hành khảo nghiệm đã được xem xét và báo cáo kỹ lưỡng với Bộ NN&PTNT trước đó, dựa trên các kinh nghiệm quốc tế và điều kiện cụ thể tại Việt Nam.
Ví dụ tại Philippines, quá trình khảo nghiệm cũng được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là khảo nghiệm diện hẹp trong 1 mùa vụ và tại 1 địa điểm nhằm đánh giá hiệu quả sinh học bằng các thí nghiệm lây nhiễm sâu nhân tạo; đánh giá hiệu quả chống chịu thuốc diệt cỏ bằng phun thuốc trên cây trồng chuyển gen và đối chứng không chuyển gen; tính ổn định và nguy cơ trở thành cỏ dại, dịch hại.
Giai đoạn thứ hai là khảo nghiệm diện rộng trong 2 mùa vụ và tại ít nhất 2 địa điểm, nhằm đánh giá hiệu quả kiểm soát sâu hại, cỏ dại trong điều kiện canh tác thực tế; và đánh giá đa dạng quần thể côn trùng không chủ đích.
Theo PGS. TS. Phạm Văn Toản, Thư ký Hội đồng An toàn sinh học, kết quả khảo nghiệm lần này là dữ liệu bổ sung để góp phần công nhận các kết luận trên thế giới về thành tựu cây trồng chuyển gen. Có thể nói rằng, quy trình khảo nghiệm tại Việt Nam hoàn toàn mang tính kế thừa và phát huy lợi thế của một quốc gia đi sau trong việc ứng dụng cây trồng chuyển gen nhằm tiết kiệm chi phí đồng thời tiếp cận nhanh hơn với công nghệ mới.
Sau khi thu thập ý kiến đóng góp của các chuyên gia và nhà khoa học, tới đầu tháng 6-2012, Hội đồng an toàn sinh học của Bộ NN&PTNT sẽ chính thức có kết luận về việc công nhận các giống ngô biến đổi gen ở Việt Nam và toàn bộ kết quả sẽ chuyển sang Bộ Tài Nguyên và Môi trường xem xét.
Bộ Tài Nguyên và Môi trường sẽ nhóm họp để thành lập Hội đồng an toàn sinh học cấp quốc gia nhằm tiến hành nghiên cứu, xem xét và nếu đạt đủ các điều kiện, sẽ cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học của các giống ngô biến đổi gen.
Sau đó, Bộ NN-NT sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá về an toàn thức ăn chăn nuôi và an toàn sức khỏe con người; và cuối cùng, Cục Trồng trọt sẽ là đơn vị đánh giá năng suất của các giống trên, tạo điều kiện tiên quyết để đưa cây trồng chuyển gen vào sản xuất.
Vân Ly