Kích thích cây dó bầu tạo trầm hương
Theo TS Trần Hợp, Chủ tịch Hội Trầm hương Việt Nam, làm trầm hương nhân tạo được thực hiện bằng cách làm cho cây dó bầu bị thương như khoan sâu vào thân cây, lấy mảnh thép găm sâu vào thân cây và tiêm vào đó một hỗn hợp hóa học kích thích tạo trầm. Trong khoảng từ 4 năm trở lên, khi nước mưa thấm vào hòa với nhựa của cây, từ đó sẽ kết trầm.
Thực tế, đã có nhiều nông dân tự làm được chế phẩm tạo trầm. Trầm hương được nhiều quốc gia trên thế giới chọn làm nguyên liệu cho công nghệ chế biến nước hoa, mỹ phẩm và dược liệu với giá thành rất cao. Giá trầm hương loại 1 trên thế giới từ 6.000 - 6.500USD/kg, giá tinh dầu trầm khoảng 9.000USD/lít.
Ông Trương Thanh Khoan, một nông dân tại ấp Phú Lâm 3, xã Phú Lâm, huyện Tân Phú (Đồng Nai) đã từng tự nghiên cứu thành công chế phẩm sinh học kích thích cây dó bầu tạo trầm hương. Đặc biệt, loại chế phẩm này còn có thể nâng chất lượng trầm hương từ loại 6 lên loại 3 - 4 với giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần. Chế phẩm được làm từ những nguyên liệu sẵn có như cám ngô, mật ong, đường mật, tinh dầu dừa... Khi tiêm trực tiếp lên vết thương của cây dó bầu (đã được tạo sẵn) thì có thể kích thích để tạo thành trầm hương.
TS Trần Hợp cho biết, trồng trầm hương vốn kỳ công và tốn kém. Nhiều nông dân do cả tin đã trở nên điêu đứng khi dồn hết tài sản để mua thuốc vi sinh, sinh học tạo trầm nhưng trồng mãi không có trầm. Năm này qua năm khác, cây dó bầu chỉ cho gỗ, thậm chỉ chỉ là củi nấu. Thuốc tạo trầm thường có giá 100.000đ/lít. Mỗi cây trầm để cho ra kết quả thì tối thiểu phải mất 1 lít. Quy mô trồng cây dó bầu hiện nay của các gia đình thường lên đến hàng nghìn cây. Nếu mua phải chế phẩm giả thì thiệt hại kinh tế là rất lớn.
|
Một người dân đang chăm sóc cây dó bầu. |
Loạn công thức tạo trầm
Theo ông Hồ Ngọc Vinh, Giám đốc Công ty Thương mại và Dịch vụ Tinh Đất Việt, việc áp dụng thuốc tạo trầm tùy theo điều kiện khí hậu, địa lý, độ tuổi của cây trên từng vườn. Cùng một loại thuốc, có thể ở địa phương này thì cây dó bầu cho trầm, ở địa phương khác lại không. Nếu không tính toán các yếu tố này, áp dụng các chế phẩm một cách tràn lan thì hiệu quả làm trầm hương sẽ thấp, nguy cơ không thu được trầm hương là rất lớn.
TS Trần Hợp cho rằng, cách thức trồng và tạo trầm của nhà vườn vẫn chủ yếu dựa trên kinh nghiệm lượm lặt từ các cá nhân. Đến nay chưa có mô hình hiệu quả cao nào xuất hiện để hội tổng kết chuyển giao. Không có đơn vị nào quản lý thuốc tạo trầm hương. Các doanh nghiệp kinh doanh tự đăng ký sản phẩm, mẫu mã và tự tìm cách tiếp thị. Ai cũng tự nhận là "nhà sáng chế" thì người chịu thiệt thòi đầu tiên sẽ là người nông dân.
Theo Hội Trầm hương Việt Nam, diện tích cây dó bầu trồng trong vườn nhà và trang trại hiện có khoảng 20.000ha, phần lớn cây 7 - 8 tuổi trở lên, tập trung nhiều ở vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên, duyên hải miền Trung, kể cả một số tỉnh ĐBSCL. Việc tạo trầm hương nhân tạo từ cây dó không chỉ tốn kém mà còn gặp nhiều rủi ro. Phần lớn các sản phẩm trầm được tạo ra không đạt hàm lượng tinh dầu trầm, mùi hương không đúng tiêu chuẩn quốc tế và còn chứa dư lượng hóa chất nên giá trị thương mại thấp.
TS Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch Hội Trầm hương Việt Nam cho rằng, để phát triển phương pháp cấy ghép tạo trầm hương cần phải xác định giống dó bầu cho từng vùng sinh thái, kỹ thuật tạo trầm để tạo ra năng suất và chất lượng tối ưu. Hầu như trong thời gian qua, việc tạo trầm hương ở các nhà vườn và trang trại chỉ chú ý đến năng suất mà chưa tính đến hiệu quả về chất lượng. Các cá nhân khi trồng trầm hương thì nên liên hệ với các cơ quan khoa học địa phương để được giúp đỡ.
Dó bầu là loại cây có giá trị kinh tế cao, dễ trồng, có thể trồng xen với đậu, cà phê và một số cây trồng khác. Một cây mỗi năm cho thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng, với 8ha trồng dó bầu (khoảng 17.000 cây), mỗi năm thu hoạch không dưới 30 tỷ đồng. Loại cây này cũng tốn ít công chăm bón và ít sâu bệnh, chỉ có chi phí đầu tư ban đầu cao và từ khoảng 4 - 5 năm trở đi, cây mới cho thu nhập khá.
|
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Hà Bình