4h sáng, anh Ngô Văn Bình (40 tuổi, ở huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) xách chiếc cào sắt nặng gần 10kg lên thuyền, ngược dòng sông Mã đến địa phận huyện Quan Hóa (cách nhà hơn 10km) để bắt đầu công việc cào hến mưu sinh.
Có kinh nghiệm hơn 20 năm hành nghề cào hến, theo anh Bình, mùa hến bắt đầu từ cuối tháng hai Âm lịch, kéo dài khoảng 3-4 tháng. Trước kia, để làm nghề này, người dân địa phương dùng chiếc cào dài hơn 10m, chèo thuyền dọc bờ sông để bắt hến. Những năm trở lại đây, người dân chuyển qua sử dụng thuyền máy, dùng cào sắt có buộc chiếc túi bằng lưới dài để hành nghề.
Là người có thâm niên làm nghề cào hến, anh Bình thông thạo từng khúc sông. Theo anh, hến thường xuất hiện nhiều ở khu vực bờ sông có dòng chảy êm, nhiều cát. Năm nay, mùa hến đến sớm hơn, hến được giá, thợ cào hến được một mùa bội thu.
Anh Bình cho biết, công việc cào hến vất vả, nặng nhọc. Để đánh bắt được hến, mỗi chiếc thuyền thường có hai người làm việc. Sau khi chạy thuyền ra giữa sông, thợ hến dùng chiếc bàn cào bằng sắt rộng khoảng 80cm có buộc dây thừng rồi nhấn xuống đáy sông rồi cho thuyền chạy vòng quanh để cào, gom hến.
"Sau khi thả cào xuống, phải cho thuyền chạy vòng quanh khúc sông, khoảng 10 phút lại kéo lên một lần, lượng hến thu được sẽ nằm lại trong chiếc túi lưới được gắn với cào. Một lần cào như vậy được khoảng 2-3kg, nhiều thì 5kg hến. Hến sau khi kéo lên thuyền, chúng tôi sẽ đãi cho sạch bùn đất", anh Bình điểm lại từng công đoạn cào hến.
Cũng theo anh Bình, do trời nắng nóng, đa số những người đi cào hến phải làm việc từ sáng sớm, đến đầu giờ chiều thì nghỉ. Trung bình mỗi ngày một thuyền cào được 1-2 tạ hến. Với giá bán 5.000 đồng/kg, trừ chi phí dầu máy, ăn uống, mỗi người cũng kiếm được 300.000-500.000 đồng/ngày.
Cùng cào hến trên khúc sông với anh Bình, ông Ngô Văn Hòa (60 tuổi) cho biết, năm nay lượng hến trên sông nhiều, ông tranh thủ ra sông kiếm thêm thu nhập.
"Ngày thuận lợi thì kiếm được 300.000 đồng. Mỗi mùa hến, tôi thường tranh thủ đi cào để kiếm tiền trang trải sinh hoạt. Giờ có thuyền máy, công việc cào hến đỡ phần vất vả hơn. Tuy nhiên, có ngày đen đủi, chiếc cào vướng vào cành cây hay đá dưới sông, ngư lưới cụ bị rách thì coi như lỗ vốn", ông Hòa cho hay.
Theo ông Hòa, trước đây cứ đến mùa là người dân ra sông cào hến, nhưng hiện nay, do nghề cào hến vất vả, lượng hến trên sông giảm dần, nhiều người không còn mặn mà. Số người trụ lại với nghề này ngày một ít.
"Nghề cào hến vất vả, cực nhọc. Những túi lưới được nhấc lên sau mỗi lượt cào lẫn cả cặn bùn, rác thải, nặng cả 10kg. Vì vậy, những người đi cào hến phải có sức khỏe tốt. Như tôi, mặc dù vẫn đi cào hến nhưng cũng chỉ tham gia công đoạn đãi hến phụ giúp con trai chứ không kéo được như trước nữa. Nhiều hôm nắng to còn bị say nắng", ông Hòa chia sẻ.
Hến sau khi thu hoạch sẽ được bán cho các nhà hàng, chế biến món canh hến, hến xào xúc bánh đa... Những năm trở lại đây, các món ăn từ hến được người dân và thực khách yêu thích nên giá bán cao hơn trước. Nghề cào hến vẫn mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Theo Dân Trí