Ngày 25/7, Facebook đã công bố dự án thành lập công ty con tại Hàng Châu, Trung Quốc nhằm hỗ trợ những tài năng công nghệ, start-up ở thị trường này. Được biết, công ty con này của Facebook có số vốn đầu tư lên đến 30 triệu USD.
Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau đó, hồ sơ của công ty này chính thức bị “biến mất”. Theo tờ The New York Times đưa tin, chính quyền thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang đã phê duyệt hồ sơ thành lập chi nhánh của Facebook mà không thông qua Cơ quan Quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC). Khi mọi chuyện vỡ lở, CAC rất tức giận và lập tức can thiệp để ngăn chặn quyết định này. Điều đó đồng nghĩa với việc dự án mới củaFacebook cũng đã hoàn toàn sụp đổ.
|
Công ty con của Facebook ở Trung Quốc bị rút giấy phép. Ảnh Getty |
Như vậy là sau gần 10 năm nghiên cứu, lên kế hoạch và tìm đủ mọi cách tái xuất trên thị trường Trung Quốc, Facebook vẫn chưa một lần thành công. Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng sự lớn mạnh của những nền tảng nội địa như Weibo cũng sẽ gây rất nhiều khó khăn cho tham vọng của Facebook.
Trong một bài phỏng vấn gần đây với Recode, CEO Facebook Mark Zuckerberg tỏ ra nghi ngại về khả năng thâm nhập thị trường Trung Quốc mà “vẫn giữ được các nguyên tắc của công ty”. Dù vậy, các nỗ lực của CEO Facebook cho thấy Facebook đang thèm khát thị trường này tới mức nào.
Gần thập kỷ qua, CEO Mark Zuckerberg đã tìm rất nhiều cách để cải thiện hình ảnh cá nhân cũng như Facebook tại Trung Quốc. Mark Zuckerberg đề nghị chủ tịch Tập Cận Bình đặt tên tiếng Hoa cho con gái, trả lời hỏi đáp bằng tiếng Hoa, chạy bộ mà không dùng khẩu trang trước Thiên An Môn.
Trước đó, Facebook cũng từng thử nghiệm những công cụ kiểm duyệt nội dung tại Trung Quốc. Năm ngoái, công ty ra mắt ứng dụng chia sẻ hình ảnh có tên Colorful Balloons. Tuy đã bỏ từ Facebook khỏi tên, ứng dụng này sau đó vẫn bị gỡ xuống.
Cũng chọn cách mở một công ty con tại Trung Quốc, nhưng Google có vẻ may mắn hơn Facebook. Gần đây Google đã mở một trung tâm nghiên cứu AI và phát hành game tại thị trường này, đồng thời hứa hẹn đầu tư 550 triệu USD vào công ty thương mại điện tử JD.com. Một số mạng xã hội khác như LinkedIn thì chấp nhận bị kiểm duyệt nội dung để hoạt động tại đây.
Theo Vũ Đậu/ĐSPL