Tại đảo Fernandina, ở Galapagos, Ecuador, mới đây du khách và các nhà nghiên cứu được chứng kiến cảnh tượng thú vị khi hàng trăm con cự đà biển lũ lượt rủ nhau ra bãi biển phơi nắng. Trông chúng hệt như một phần của cảnh quan ven biển.
Qua hình ảnh có thể thấy, những con cự đà này không hề quan tâm đến sự có mặt của con người. Chúng thản nhiên phơi nắng, giống như con người mới là sự xuất hiện phiền nhiễu, ảnh hưởng đến thú vui tắm nắng của chúng.
Theo tìm hiểu, cự đà biển còn được gọi là kỳ nhông biển, là một loài thằn lằn trong họ Iguanidae. Chúng là loài bò sát biển chỉ tìm thấy ở quần đảo Galápagos, ngoài khơi bờ biển Ecuador.
Mời quý vị xem video: Thích thú những hình ảnh động vật vui nhộn
Được biết, có tới 120.000 con cự đà biển sống ở quần đảo Fernandina, Ecuador. Đây là loài bò sát thuộc thằn lằn duy nhất sống và tìm kiếm thức ăn ở biển.
Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng cự đà đất (kỳ nhông) và cự đà biển đã tiến hóa từ một tổ tiên chung kể từ khi đến các hòn đảo từ Nam Mỹ, có thể là do chúng trôi trên những bè ra đảo.
Nhưng giả thuyết hợp lý nhất có lẽ là việc chúng sinh sống gần những núi lửa trên quần đảo này, quá trình kiến tạo địa chất khiến nước biển dâng cao, các núi lửa trở thành các hòn đảo, vì thế chúng đã phải thích nghi với cuộc sống khắc nghiệt nơi đây bằng cách tiến hóa.
Thức ăn chính của cự đà biển bao gồm rong biển và tảo bám trên các mỏm đá và dưới những vùng biển nông. Cự đà biển có mõm phẳng và hàm răng sắc nhọn cho phép nó ăn được những mảng tảo bám chặt vào đá. Tuyến mũi của chúng có khả năng lọc bớt lượng muối trong máu và đảo thải thông qua mũi, vì thế nên mặt của chúng có thể thấy nhiều những tinh thể trắng.
Do là loài bò sát kiểm soát thân nhiệt kém, nên cự đà biển chỉ có khả năng lặn dưới nước trong một khoảng thời gian nhất định thường kéo dài đến tối đa 30 phút. Sau đó nó sẽ ngoi lên và sưởi ấm cơ thể nhờ ánh nắng mặt trời, lúc này cự đà biển khá yếu ớt và có thể gặp nguy hiểm.
Kiều Dụ (Theo Sina)