“Khả năng trường kỳ kháng chiến” của cụ rùa 100 tuổi Diego là lý do chính khiến loài rùa khổng lồ trên đảo Espanola trên Thái Bình Dương, thuộc quần đảo Galapagos của Ecuador, thoát khỏi nguy cơ biến mất trên Trái đất.
“Tay chơi” Diego được đưa từ vườn thú San Diego ở bang California (Mỹ) ra đảo Espanola để tham gia một chương trình nhân giống. Khi chương trình bắt đầu, trên đảo chỉ có 2 rùa đực và 12 rùa cái.
Nhưng đến nay, lượng rùa khổng lồ trên đảo vào khoảng 2.000 con. Vườn quốc gia Galapagos tin rằng, cụ rùa 100 tuổi là “tộc trưởng” của khoảng 40% “bộ tộc” rùa trên đảo.
“Cụ rùa đã góp một tỷ lệ lớn cho dòng dõi rùa mà chúng tôi đang trả lại cho đảo Espanola”, giám đốc vườn quốc gia, ông Jorge Carrion, nói với hãng tin Pháp.
Rùa khổng lồ trên quần đảo Galapagos. Ảnh: Naturebl.
Có tổng cộng 15 con rùa tham gia chương trình nhân giống để tăng số lượng loài này trên đảo, nhưng không rùa nào góp sức mạnh mẽ như Diego.
“Giờ đây, số rùa sinh sản tự nhiên đã xấp xỉ 2.000 con. Chúng có thể tăng trưởng, sinh sản, phát triển”, ông Carrion nói.
Quần đảo Galapagos là một trong những điểm đến hàng đầu trên thế giới để quan sát động vật hoang dã. Charles Darwin đã tới đây khi ông nghiên cứu về thuyết tiến hóa.
Rùa nặng 400 kg, sống hơn 100 năm
Theo Wikipedia, rùa Galapagos (tên khoa học: Chelonoidis nigra) là loài rùa cạn còn sống lớn nhất và là một trong 10 loài bò sát còn sống nặng nhất trên Trái đất. Loài rùa này nặng khoảng 400 kg (880 lb) có mai dài khoản 1,8 m. Với tuổi thọ trong tự nhiên là hơn 100 năm, rùa Galapagos là một trong các loài động vật có xương sống thọ nhất thế giới.
Rùa Galapagos sống trên bảy đảo thuộc quần đảo núi lửa Galapagos, cách đất liền Ecuador khoảng 1.000 km.
Một nhà thám hiểm Tây Ban Nha phát hiện ra hòn đảo hồi thế kỷ 16, đặt tên là Galapago (nghĩa là con rùa).
Ngày 9/1/2012, các nhà khoa học công bố phát hiện lại loài rùa khổng lồ sau 150 năm được cho là đã tuyệt chủng.
Theo Thái An/Dân Việt