“Brother”, biệt danh của một “thợ đào mỏ” bitcoin ở ngoại ô thành phố Caracas, 29 tuổi tiết lộ với CNBC rằng, anh đã tham gia vào việc khai thác bitcoin vì mức lương 43 USD/tháng từ công việc Nhà nước của anh trước đây không đủ để nuôi vợ và con gái. Ban đầu, anh sử dụng trái phép máy tính trong văn phòng để khai thác. Sau đó, anh quyết định từ bỏ công việc văn phòng, hiện đang tập trung làm bằng máy tính riêng tại nhà.
Bất chấp nguy cơ phạm pháp
Câu chuyện của “Brother” không có gì xa lạ trong bối cảnh kinh tế khó khăn ở Venezuela. David Fernando Lopez đã phải rời quê hương đến Thủ đô Caracas để điều hành một trung tâm khai thác “mỏ” bitcoin ở trong 3 năm. “Bạn không thể nuôi sống gia đình với đồng lương ít ỏi tại đây. Đó là một thực tế”, Lopez cho biết.
|
Không ít "thợ mỏ" Venezuela bị cáo buộc là khủng bố, rửa tiền, tội phạm máy tính… |
Vào thời điểm giá trị bitcoin lên đỉnh cao, Mateo Patino cũng kiếm được 600 USD/tháng, gấp 3 lần so với số tiền lương làm phóng viên của anh. Khai thác “mỏ” bitcoin là công việc hợp pháp tại Venezuela, nhưng hiện nay cảnh sát đang đẩy mạnh chiến dịch bắt giữ các “thợ mỏ”.
Khởi đầu là việc bắt và giam giữ hai “thợ mỏ” Joel Padron và Jose Perales trong năm 2016 vì tội ăn cắp năng lượng và tàng trữ đồ lậu. Số lượng các vụ bắt giữ gia tăng đều đặn kể từ thời điểm đó. Một thám tử của Cục điều tra - tình báo Venezuela (CICPC) cho biết, nhà chức trách nước này coi đó là hành động “khai thác tài nguyên trái phép”.
Theo Atlantic, nhiều người dân Venezuela có thể vận hành những mỏ bitcoin để đem về thu nhập khoảng 500 USD mỗi tháng - số tiền đủ để nuôi một gia đình 4 thành viên. Đổi lại, thợ mỏ có nhiệm vụ đảm bảo rằng máy tính của họ hoạt động bình thường, 24 giờ một ngày, 7 ngày trong tuần và 365 ngày một năm.
Tuy nhiên, một số “thợ mỏ” lại cho rằng, nguyên nhân của động thái này là do chính phủ coi các đồng tiền kỹ thuật số là mối đe dọa đối với đồng bolivar (tiền tệ của Venezuela) đang ngày càng suy yếu. “Những người “thợ mỏ” bị tống giam, bị cáo buộc là khủng bố, rửa tiền, tội phạm máy tính và nhiều tội ác khác. Mọi việc đang diễn biến rất tệ ở đây”, một “thợ mỏ” giấu tên nói.
Một năm trước, “Tego Sanchez” đã dành toàn bộ thời gian để khai thác mỏ. Hiện 80% tổng thu nhập của anh kiếm được từ công việc đào bitcoin. Vào thời điểm giá trị đồng ethereum lên cao nhất, anh kiếm được khoảng 20 USD/ngày.
Tuy nhiên, giờ đây chàng trai 23 tuổi nói rằng anh luôn cảm thấy lo sợ sau khi bạn của mình bị bắt trong một cuộc đột kích của cảnh sát. Đó cũng là lý do chính khiến phần lớn cộng đồng khai thác mỏ tiền kỹ thuật số của Venezuela chủ yếu hoạt động trong các nhóm bí mật, dùng các ứng dụng nhắn tin mật mã như Telegram và lấy bí danh thay vì tên thật.
Cuộc chiến “săn” thợ mỏ
Theo CNBC, giám sát lượng điện tiêu thụ trên toàn quốc là một trong những cách để các nhà chức trách Venezuela theo dõi các “thợ mỏ”. Bởi vì các nhà máy và các “mỏ” bitcoin có một đặc điểm chung: Sử dụng rất nhiều điện. Những người khai thác mỏ tiết lộ khi chính quyền thấy ai đó đột nhiên sử dụng quá nhiều điện, họ sẽ theo dõi.
Để có thể khai thác được đồng tiền ảo bitcoin, “thợ mỏ” cần sử dụng phần cứng máy tính để thực hiện những thuật toán phức tạp tạo ra chuỗi liên kết trong blockchain bitcoin - công nghệ sổ cái khổng lồ. Đổi lại, họ được thưởng bitcoin vào ví điện tử. Một trong những yêu cầu quan trọng của quá trình này là cần nguồn năng lượng rất lớn.
Đó là lý do tại sao nhiều vụ bắt giữ các “thợ mỏ” được tiến hành. Đầu năm 2017, 4 “thợ mỏ” ở thành phố Charallave đã bị bắt với cáo buộc gây nguy hiểm cho sự ổn định của dịch vụ điện tại thành phố.
Không chịu ngồi một chỗ để bị nhà chức trách lần ra, những người “thợ mỏ” ở quốc gia này lại nảy ra các mánh khóe “lách”. “Brother” cho biết ngoài việc sử dụng bí danh, anh còn phân chia thiết bị khai thác “mỏ” của mình ở 3 địa điểm khác nhau qua nhiều lưới điện. Nhưng dù khả năng đối phó nhanh nhạy như thế nào, công việc khai thác mỏ tiền kỹ thuật số ở Venezuela vẫn là một canh bạc.
“Khai thác mỏ bitcoin đã trở thành một điều gì đó như trong một bộ phim trinh thám. Nhiều thợ mỏ phải hoạt động ngầm, một số thợ mỏ bị bắt, số khác thì bị theo dõi, và phần nhiều đang trải qua sự sợ hãi, hoang mang...”, Mateo Patino nói.
Điều này đẩy những “thợ mỏ” tại đây đưa các cơ sở khai thác xuống sâu dưới lòng đất để đảm bảo bí mật hoặc chuyển sang ethereum (đồng tiền ảo được mệnh danh là Bitcoin 2.0) với mức lợi nhuận cao hơn. Trong khi đó, Mateo Patino từ bỏ công việc của một thợ mỏ, chuyển sang “chơi” bitcoin.
Theo Quỳnh My/ANTĐ