Quá xúc động, tôi mở laptop và tìm vào trang Facebook của dì. Tôi nghĩ mình sẽ được an ủi khi nhìn xem những bức ảnh, đọc vài post hóm hỉnh của dì. Tôi cuộn trang và bắt gặp thêm một số lời chia buồn…
Những cỗ máy nào đó đang giữ sự sống bất diệt cho dì Jackie - một số hệ thống máy chủ ở nơi xa xôi nào đó đang lưu giữ suy nghĩ, ký ức và các mối quan hệ của dì. Mặc dù rõ ràng là sự hiện hữu của thể xác không còn nữa. Nói cách khác, người quá cố vẫn có thể tiếp tục tồn tại và giao tiếp trên mạng xã hội. Câu chuyện về dì Jackie như đã kể trên chỉ là một ví dụ.
|
Số người chết đang tăng nhanh trên Facebook. |
Hiện nay, số người chết tăng nhanh theo thời gian trên Facebook. Năm 2012, tức chỉ 8 năm sau khi nền tảng ra mắt, có đến 30 triệu người dùng có tài khoản Facebook qua đời. Và, con số đó cứ tăng dần, biến Facebook thành "nghĩa trang kỹ thuật số" hay "nghĩa trang ảo" không ngừng mở rộng. Một số đánh giá cho rằng mỗi ngày có hơn 8.000 người dùng Facebook từ giã cõi đời.
Chính sách của Facebook là không xóa tài khoản người chết mà biến nó thành "memorialised version" (tức là "phiên bản tưởng niệm"). Dĩ nhiên, tài khoản "tưởng niệm" này chỉ biến mất nếu có ai đó biết mật khẩu để đăng nhập và cố tình xóa đi.
Theo Facebook, dì Jackie học khoa Giáo dục tiếng Anh, Đại học bang Frostburg ở Maryland. Dì sống ở Baltimore bang Maryland. Dì Jackie đã ra đi thật xa và không còn sống ở bất cứ nơi đâu nữa. Nhưng, nếu bạn xem profile của dì trên Facebook và không cuộn trang xuống phần cáo phó thì bạn sẽ không biết đến sự thật đau buồn đó. Dì có thể vẫn còn sống, theo cảm giác như thế nào đó. Dì vẫn đang… ở đây. Trên Facebook.
Đó là một câu chuyện về cuộc sống trường tồn trên Facebook mà mọi người có thể hình dung. Đó là thực tế đang diễn ra và ngày càng phát triển. Trong tương lai, lĩnh vực dịch vụ tang lễ sẽ bước vào cuộc cách mạng mới khi ngày càng có thêm nhiều start-up đề xuất ý tưởng độc đáo - đó là đưa người quá cố trở lại với cuộc sống thông qua hình ảnh đại diện xuất hiện trên Facebook.
Thậm chí, những bức ảnh chụp kỷ niệm của người quá cố vẫn tiếp tục được "cập nhật" trên Instagram cho dù đó là những tấm ảnh được thực hiện từ lâu. Hiện nay, một số công ty khởi nghiệp đang nỗ lực đầu tư thời gian và tiền bạc để nghiên cứu đề tài "cuộc sống được số hóa của người chết".
Tuy nhiên, dịch vụ "linh hồn số" vẫn chưa hẳn là giải pháp tốt đẹp. Trong cuốn sách (xuất bản lần đầu năm 2009) "Delete: The Virtue of Forgetting in the Digital Age" (tạm dịch: Xóa bỏ: Mặt tốt của sự lãng quên trong thời đại kỹ thuật số), tác giả Viktor Mayer-Schonberger lập luận rằng cốt lõi của thân phận con người là "khả năng quên" - nó cho phép chúng ta sống mà "không bị trói buộc bởi quá khứ". Ông viết, sự quên lãng cho phép chúng ta "sống và hành động kiên quyết trong thực tại".
Nói cách khác, "Delete" lý giải tại sao con người cần "phục hồi khả năng quên". Vậy mà hiện nay công nghệ số và mạng xã hội đang cố gắng "không đếm xỉa" gì đến khả năng tự nhiên của con người - đó là quên và quên quá khứ. Quá khứ vẫn tiếp tục tồn tại và ùa về thông qua cú nhấp chuột!
Cuốn sách (xuất bản lần đầu năm 2009) "Delete: The Virtue of Forgetting in the Digital Age" của tác giả Viktor Mayer Schonberger.
Trong truyện ngắn "Funes the Memorious" của nhà văn nổi tiếng Argentina Jorge Luis Borges, nhân vật chính tên Funes bị mất hẳn khả năng "quên" sau một tai nạn cưỡi ngựa. Từ đó, Funes luôn nhớ rõ nội dung từng chữ trong mỗi cuốn sách đã đọc và có thể kể lại từng chi tiết nhỏ nhặt nhất mà anh trải qua trong quá khứ.
Thế nhưng, "tài năng" này cũng trở thành tai họa. Funers thừa nhận rằng trí nhớ của anh "giống như đống rác", khiến anh thường xuyên bị ám ảnh bởi quá khứ. Funes, theo tiếng Tây Ban Nha, có nghĩa là "vận rủi" hay "bất hạnh". Điều đó cho thấy Borges tỏ ra rất xót thương cho nhân vật chính của mình. Bất chấp điều đó, rất có thể đến một thời điểm nào đó, số người chết sẽ nhiều hơn số người sống… trên Facebook!
Theo Duy Minh/CAND