Đặt bẫy ảnh phát hiện gà tiền mặt vàng trong Sách Đỏ Việt Nam

Google News

Thông qua đặt bẫy ảnh, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống (Nghệ An) đã phát hiện 2 loài gà quý hiếm là gà lôi trắng và gà tiền mặt vàng.

Ông Võ Minh Sơn - Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) cho biết vừa công bố nhiều loại gà, chim quý hiếm có trong Sách Đỏ Việt Nam hiện đang sinh sống trên các cánh rừng của Khu bảo tồn.

Dat bay anh phat hien ga tien mat vang trong Sach Do Viet Nam

Qua đặt bẫy ảnh, lực lượng chức năng đã phát hiện 2 loài gà quý hiếm ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Trong ảnh là gà lôi trắng quý hiếm.

 

Theo đó, thời gian qua cán bộ và công nhân viên của Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Huống đã phối hợp với người dân địa phương điều tra thực tế và đặt bẫy ảnh tại các cánh rừng trong khu bảo tồn. Qua đó, lực lượng chức năng phát hiện 2 loài gà quý hiếm là gà lôi trắng và gà tiền mặt vàng.

Đây là 2 loài thường xuyên được người dân bắt gặp trên rừng nhưng số lượng rất ít, chỉ 2 đến 4 con mỗi đàn. Ngoài ra, thông qua đặt bẫy ảnh, lực lượng chức năng cũng phát hiện nhiều loài chim quý đang sinh trưởng tại khu bảo tồn này.

Các loài gà quý hiếm được phát hiện mới đây đều phân bố ở nhiều trạng thái rừng khác nhau. Tuy nhiên, trạng thái rừng mà những loài gà này thường sinh sống ở những cánh rừng hỗn giao gỗ tre nứa hoặc rừng pha lẫn tre nứa có độ cao trung bình từ 300m đến 1.000m so với mặt nước biển.

Dat bay anh phat hien ga tien mat vang trong Sach Do Viet Nam-Hinh-2

Dat bay anh phat hien ga tien mat vang trong Sach Do Viet Nam-Hinh-3

Gà tiền mặt vàng được phát hiện thông qua đặt bẫy ảnh.

 

"Khu BTTN Pù Huống là một khu vực có tính đa dạng sinh học cao với nhiều hệ sinh thái tự nhiên cũng như thành phần loài động vật. Các loài chim trong bộ gà thường kiếm ăn trên mặt đất và có giá trị về thực phẩm nên rất dễ bị săn bắt, dẫn đến số lượng cá thể rất ít”, ông Võ Minh Sơn - Giám đốc Khu BTTN Pù Huống nói.

Theo ông Sơn, để phục vụ công tác quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học, việc cập nhật thành phần loài chim là rất cần thiết, đặc biệt là với những loài nguy cấp, quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Đối với các loài này cần xác định được đặc điểm hiện trạng, phân bố cũng như những mối đe dọa chủ yếu đến loài. Từ đó, lực lượng chức năng sẽ đưa ra các giải pháp nhằm bảo tồn và phát triển các loài chim quý hiếm.

Theo điều tra 6 tuyến trên 36km ở các cánh rừng của Khu BTTN Pù Huống, lập 12 ô tiêu chuẩn, đặt 13 bẫy ảnh, 12 điểm đặt máy ghi âm và lưới mờ, lực lượng chức năng đã ghi nhận tổng số 273 loài chim, thuộc 60 họ, 17 bộ. Kết quả này đã bổ sung 8 loài chim lần đầu ghi nhận tại khu bảo tồn.

Theo danh mục chim Việt Nam mới nhất, số loài chim ghi nhận được tại Khu BTTN Pù Huống chiếm 28,7% số loài chim ở nước ta hiện nay. Đây là con số thể hiện rất rõ tính đa dạng của khu bảo tồn này.

Tại Khu BTTN Pù Huống cũng đã ghi nhận bộ Sẻ có 37 họ, 164 loài; bộ Gõ kiến có 18 loài; bộ Ưng 12 loài; bộ Gà 11 loài; bộ Sả 11 loài; bộ Bồ câu 10 loài; các bộ chim còn lại có dưới 10 loài, chiếm tỷ lệ không đáng kể về loài trong khu hệ chim.

Có tổng số 48 loài chim quý hiếm tại Khu BTTN Pù Huống. Trong đó có 7 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam; 12 loài có tên trong Danh lục đỏ IUCN; 6 loài được liệt kê vào nhóm các loài chim nguy cấp, quý hiếm cần ưu tiên bảo tồn.

Cùng với sự đa dạng về thành phần loài, kết quả này đã thể hiện giá trị bảo tồn rất cao của hệ chim ở Khu BTTN Pù Huống. Trong đó có nhiều loài đặc biệt quý hiếm như Trĩ sao, Công, Hồng Hoàng, Niệc mỏ vằn, Niệc nâu, Gà tiền mặt vàng.

Theo Ngọc Tú/Tiền phong