Sau lần phát hiện duy nhất một cá thể tại Nhật Bản vào năm 1992, các nhà khoa học đã luôn thất bại trong nổ lực tìm kiếm loài thực vật này. Năm 2010, loài "đèn lồng cổ tích" - Thismia kobensis bị tuyên bố là đã tuyệt chủng.
Tuy nhiên, trong một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Phytotaxa, các nhà khoa học Nhật Bản đã tái phát hiện hàng chục cây T. kobensis trên một con đường mòn ở thành phố Sanda, tỉnh Hyogo, cách Kobe khoảng 30km.
|
Loài thực vật dị dưỡng ký sinh trên nấm, có hình như chiếc "đèn lồng cổ tích" này đã bị tuyên bố tuyệt chủng từ năm 2010. Ảnh: The Japan Times |
Giống như khoảng 90 loài khác trong chi Thismia, T. kobensis sống dưới lòng đất và chỉ nhô lên bề mặt trong một thời gian ngắn với những bông hoa hình dạng phức tạp giống như chiếc đèn lồng.
Do thiếu chất diệp lục, loài thực vật bí ẩn này không thể quang hợp và phải sống ký sinh trên nấm để lấy toàn bộ hoặc một phần chất dinh dưỡng. Môi trường sống ưa thích của Thismia là rừng mưa nhiệt đới, vốn đang bị suy thoái trên toàn cầu. Các loài thuộc chi này rất khó tìm và một số lượng lớn đã biến mất sau khi được phát hiện lần đầu.
|
T. kobensis tái xuất sau 13 năm khi được các nhà khoa học phát hiện tại tỉnh Hyogo (Nhật Bản). Ảnh: The Japan Times |
Các nhà khoa học cho biết trong nghiên cứu: "Vì hầu hết các loài thực vật dị dưỡng lấy carbon một cách gián tiếp từ vật chủ (nấm hoặc thực vật khác) thông qua mạng lưới rễ chung, nên sự tồn tại của chúng phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động của nấm hoặc cây chủ. Do đó, Thismia đặc biệt nhạy cảm với những xáo trộn môi trường, khiến chúng vừa hiếm vừa có nguy cơ tuyệt chủng cao".
Việc tái phát hiện T. kobensis biến nó thành loài Thismia duy nhất được biết đến ở cực bắc châu Á.
Dựa trên một số đặc điểm như cánh hoa rõ ràng và không có tuyến mật, nhóm nghiên cứu cho rằng nó có quan hệ họ hàng gần với Thismia americana, loài Thismia duy nhất ở Bắc Mỹ.
T. americana được phát hiện lần đầu tiên ở Chicago vào năm 1912 nhưng đã không được nhìn thấy kể từ năm 1916.
Tuệ Minh (Theo The Japan Times)