|
Katie Bouman, nữ giáo sư trẻ đứng sau bức ảnh hố đen đầu tiên của nhân loại. (Nguồn: CNN)
|
Một nhà khoa học máy tính 29 tuổi vừa được cả thế giới thán phục vì phát triển một thuật toán giúp nhân loại chụp lại được hình ảnh hố đen đầu tiên.
Katie Bouman là người lãnh đạo nhóm phát triển một chương trình máy tính đã khiến việc chụp ảnh hố đen trở nên khả thi. Bức ảnh ấn tượng có hình một quầng sáng, dường như là khói và bụi vũ trụ, bao quanh một điểm đen lớn.
Hố đen mà nhóm Bouman chụp ảnh được cho là nằm ở trung tâm dải thiên hà khổng lồ M87, cách Trái đất khoảng 55 triệu năm ánh sáng và có khối lượng khoảng 6,6 tỷ lần khối lượng Mặt trời.
Với Bouman, bức ảnh là sự đền đáp xứng đáng cho nỗ lực mà cô đã bỏ ra, để thực hiện điều người ta tưởng như không thể làm được. Cô bắt tay vào làm thuật toán chụp ảnh hố đen cách đây 3 năm, khi là một sinh viên tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Ở đó cô lãnh đạo dự án, dưới sự hỗ trợ của một đội chuyên gia thuộc Phòng nghiên cứu trí thông minh nhân tạo và khoa học máy tính của MIT, Trung tâm vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian và Đài quan sát Haystack MIT.
Bức ảnh hố đen ban đầu được hệ thống kính viễn vọng EHT - một mạng lưới gồm 8 kính viễn vọng kết nối với nhau - chụp lại. Nhưng phải dựa vào thuật toán của Bouman người ta mới có bức ảnh cuối hoàn chỉnh, sau quá trình xử lý phức tạp.
Chỉ vài giờ sau khi bức ảnh được công bố, Bouman đã trở thành một hiện tượng quốc tế và tên cô đã được nhiều người nhắc tới, ca ngợi trên Twitter. Tuy nhiên Bouman, hiện là một giáo sư về khoa học máy tính và toán học tại Học viện công nghệ California khẳng định rằng đội hỗ trợ cũng có công lao không kém cô.
Được biết nỗ lực ghi lại bức ảnh đã sử dụng nhiều kính viễn vọng ở các địa điểm từ Nam Cực trải dài tới tận Chile và có liên quan tới hơn 200 khoa học gia. "Không ai trong chúng tôi có thể làm được điều này một mình," cô chia sẻ với CNN.
Theo Vietnamplus