Nếu bạn nuôi mèo, có lẽ bạn đã từng nghe nói về loại ký sinh trùng mang tên Toxoplasma gondii. Vi sinh vật cực nhỏ chỉ có thể sinh sản trong cơ thể của các động vật thuộc họ Mèo, nhưng nó có thể lây nhiễm và phát triển ở hầu hết các loài động vật máu nóng.
Đáng chú ý, Toxoplasma gondii cũng được xếp vào dạng kí sinh trùng có khả năng 'thay đổi tâm trí'. Cụ thể, một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nhiễm trùng Toxoplasma gondii mãn tính có thể dẫn đến tăng mức testosterone và thay đổi hành vi ở người, đơn cử như thường có các hành vi hung hãn hơn.
Điều này cũng diễn ra ở các loài động vật. Các loài gặm nhấm (như chuột) bị nhiễm ký sinh trùng thường tạo ra lượng testosterone dư thừa và ít sợ mèo hơn. Trong khi đó, những con tinh tinh nhiễm T. gondii không sợ báo hoa mai – 'thiên địch' của chúng.
Với riêng loài sói xám, một nghiên cứu mới đây cho thấy việc nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma gondii khiến một con sói có khả năng trở thành sói đầu đàn cao gấp 46 lần.
Việc nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma gondii khiến một con sói xám thay đổi hành vi và có khả năng trở thành sói đầu đàn cao gấp 46 lần so với những con không bị nhiễm bệnh.
Cụ thể, những cá thể sói ở khu vực Yellowstone (Mỹ) thường bị nhiễm kí sinh trùng T. gondii, khi lãnh thổ của chúng chồng lấn với lãnh thổ của loài báo sư tử (Puma concolor), vốn thường bị nhiễm kí sinh trùng T. gondii.
Các kí sinh trùng T. gondii thường đi vào cơ thể sói xám khi chúng thỉnh thoảng ăn xác báo sư tử hoặc ăn phải phân của báo sư tử.
Dữ liệu được thu thập về loài sói và hành vi của chúng trong gần 27 năm cho thấy, những con sói bị nhiễm T. gondii có nhiều khả năng tham gia vào các hành vi nguy hiểm hơn so với những con sói không bị nhiễm.
Chẳng hạn, những cá thể sói này sẽ rời bỏ đàn của chúng để bắt đầu lập một đàn sói mới. Những con sói bị nhiễm bệnh có khả năng tách khỏi đàn của chúng đến lãnh thổ mới cao gấp 11 lần. Những con đực bị nhiễm bệnh có 50% xác suất rời đàn trong vòng sáu tháng, so với khoảng thời gian 21 tháng đối với những con không bị nhiễm bệnh.
Bản thân những cá thể sói bị nhiễm T. gondii thường hung hãn hơn và có xu hướng muốn trở thành sói đầu đàn. Điều này dẫn tới những trận chiến nguy hiểm với những con chó sói có cùng tham vọng trong đàn.
Nhưng việc nhiễm kí sinh trùng T. gondii cũng mang lại những hậu quả bất ngờ . Những con sói đang mang thai bị nhiễm T. gondii có thể sảy thai, trong khi những con sói hiếu chiến có nhiều khả năng bị thương nặng.
Các tác giả nghiên cứu cũng đưa ra khả năng những con sói bị nhiễm T. gondii khiến cả bầy gặp nguy hiểm khi dẫn những con sói đồng loại vào lãnh thổ của báo sư tử một cách không sợ hãi, nơi chúng cũng có thể bị nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, những con sói đầu đàn là những con đảm nhiệm việc sinh sản và sự lây truyền của T. gondii có thể là bẩm sinh, từ mẹ sang con.
"Do cấu trúc sống theo nhóm của bầy sói xám, những con đầu đàn có ảnh hưởng nhất định đối với đồng loại của chúng và đối với các quyết định của nhóm".
"Nếu những con sói đầu đàn bị nhiễm T. gondii và có những thay đổi về hành vi... điều này có thể tạo ra một động lực, theo đó hành vi, được kích hoạt bởi ký sinh trùng trong một con sói, ảnh hưởng đến những con sói còn lại trong bầy.", nhóm nghiên cứu phân tích.
Đó là bằng chứng thuyết phục rằng các tác nhân nhỏ bé, chưa được nghiên cứu đầy đủ có thể có ảnh hưởng rất lớn đến động lực học của hệ sinh thái.
Theo Anh Việt/Trí Thức Trẻ