Trong những năm qua, Ravi Thakur đã thực hiện một số nỗ lực không thành công để gia nhập quân đội Ấn Độ. Chàng trai 27 tuổi, một người leo núi được đào tạo từ Sonipat ở phía bắc Ấn Độ, sau đó đặt mục tiêu đạt được thành tựu khác - leo lên đỉnh Everest.
Ngày 17/5, anh thực hiện được tham vọng đó khi lên tới đỉnh cao 8.848 mét nhưng hành trình leo núi kéo dài 4 ngày gặp nhiều nguy hiểm. Trong khi nghỉ đêm tại Trại IV, trạm dừng ở 7.920 mét với ít oxy và nhiệt độ dưới 0 độ C, Thakur đã chết trong khi ngủ. Anh là một trong số 11 người thiệt mạng ở Everest được công bố trong năm nay.
Không có nghi thức chuẩn khi một người chết trên núi. Các hoạt động cứu hộ và thu hồi thi thể vừa nguy hiểm vừa tốn kém với chi phí từ 20.000 đến 70.000 USD. Do đó, nhiều người leo núi thích được ở lại đỉnh Everest. Vì Thakur không bày tỏ mong muốn như vậy với gia đình, họ muốn lấy lại thi thể của anh.
"Khi tai nạn xảy ra ở Everest, chúng tôi có thể gửi một nhóm Sherpa (thành viên của cộng đồng dân tộc Nepal làm hướng dẫn viên leo núi) được đào tạo về các hoạt động cứu hộ như vậy.
Họ không chỉ cần được thích nghi với độ cao mà còn đủ khỏe để mang thêm một người. Ngay cả khi làm như vậy, họ vẫn liều mạng", Thaneswar Guragai, quản lý của Seven Summit Treks, tổ chức đang phối hợp thu hồi thi thể của Thakur, nói với South China Morning Post.
Rủi ro khi đưa xác chết xuống núi
Ngày 20/5, một nhóm gồm sáu Sherpa đã đi bộ từ trại căn cứ, ở độ cao 5.335 mét, đến Trại IV bất chấp thời tiết khắc nghiệt đã buộc chính phủ phải đưa ra khuyến nghị dừng leo lên đỉnh núi.
Trong vòng 48 giờ, họ trở lại với thi thể của Thakur. Một chiếc trực thăng sau đó mang nó đến cho gia đình anh, những người đang chờ đợi tại thủ đô Kathmandu của Nepal. Toàn bộ hoạt động tốn gần 44.000 USD.
Gần 300 người đã chết khi leo lên đỉnh Everest. Nhiều người bị đóng băng trên đường lên đỉnh. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã bắt đầu phơi bày nhiều xác chết hơn.
Ngày càng nhiều thân nhân của những người leo núi mong muốn lấy lại thi thể của họ. Do đó, một vài nhóm leo núi bắt đầu cung cấp dịch vụ đưa xác chết từ trên núi xuống.
Năm nay, thi thể của chín trong số 11 người chết đã được thu hồi thành công. Chính phủ Nepal cũng đã thực hiện một chiến dịch dọn dẹp trong sáu tuần vào tháng 4 và tháng 5, thu thập 10 tấn rác và bốn thi thể.
Nó không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Cần từ bốn đến tám người để tiến hành chiến dịch giải cứu hoặc thu hồi. Thi thể được gắn trên một chiếc xe trượt hoặc cáng, được buộc bằng dây thừng và được các Sherpa giữ ở cả bốn phía. Các Sherpa sau đó kéo nó để tránh trượt.
Mặc dù chính phủ Nepal gia cố các sợi dây hỗ trợ suốt chặng đường lên đỉnh vào đầu mỗi mùa leo núi nhưng mỗi lần đi lên đều đầy rủi ro. Năm 1984, hai Sherpa đã thiệt mạng khi cố gắng thu hồi thi thể của một nhà leo núi người Đức.
Giấy phép leo núi trị giá 11.000 USD được cấp trên cơ sở ai đến trước được phục vụ trước và có thể được mua bởi những người leo núi hoàn toàn nghiệp dư miễn là họ trả phí, hoàn thành các thủ tục giấy tờ cần thiết và nộp giấy chứng nhận sức khỏe. Nepal đã ban hành kỷ lục 383 giấy phép trong năm nay, thu về 438 triệu rupee (3,9 triệu USD).
Hồi cuối tháng 5, một bức ảnh cho thấy vụ tắc nghẽn của hơn 200 người tại Hillary Step, một ngọn núi đá ngay trước đỉnh núi, đã lan truyền trên mạng. Với số lượng người chết tăng cao trong mùa này, chính phủ bị chỉ trích vì ưu tiên doanh thu hơn sự an toàn.
Những nhà leo núi liều mạng
Chính phủ Nepal đã thành lập một ủy ban để nghiên cứu những thiếu sót trong hệ thống của mình và khuyến nghị thay đổi để tránh sự cố. Tuy nhiên, nhiều hướng dẫn viên địa phương đổ lỗi cho những rủi ro của địa hình hiểm trở và lỗi của con người, thường là về phía những người leo núi.
Họ nói rằng những người leo núi có xu hướng thúc ép bản thân để đạt đến đỉnh, bất chấp lời khuyên từ các Sherpa. Một số người dành phần lớn năng lượng của họ trên đường lên và thấy mình kiệt sức trong lúc xuống.
"Ở những nơi như Núi Kilimanjaro ở Tanzania hay Núi Elbrus ở Nga, các nhóm leo núi có quyền hủy bỏ hoặc quay trở lại từ một cuộc thám hiểm đang diễn ra nếu thời tiết xấu", Umesh Zirpe, một người leo núi từ Ấn Độ sở hữu Viện leo núi Bảo hộ Giripremi, đơn vị dẫn dắt nhiều cuộc thám hiểm đến Himalayas, cho biết.
"Không có những quy tắc như vậy ở Nepal. Vì vậy, bạn thường thấy những người leo núi chống lại đánh giá xác đáng của các Sherpa", ông cho biết.
Để leo lên đỉnh núi, ngoài sự bạo dạn và quyết tâm, người leo núi còn cần đầu tư khá nhiều tiền. Chi phí từ 25.000 đến 45.000 USD để leo lên đỉnh Everest, bao gồm chi phí thiết bị, vận chuyển, Sherpa và giấy phép của chính phủ. Nhiều người huy động số tiền này thông qua tài trợ và nhiều năm tiết kiệm. Do đó, họ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của mình hoặc chết trong khi nỗ lực.
Mingma David Sherpa lần đầu tiên nhìn thấy một xác chết vào năm 2010 khi đang trong chuyến thám hiểm đầu tiên lên đỉnh. Anh cũng nhớ đã nhìn thấy những người leo núi gặp nạn, chờ đợi được giải cứu, nhưng phải bước qua họ vì anh phải hỗ trợ khách hàng của mình.
Sau khi trận động đất năm 2015 ở Nepal đã giết chết 22 người leo núi và khiến 61 người khác mắc kẹt, anh không thể chịu đựng được nữa. Năm 2016, anh thành lập Đội Cứu hộ Sherpa, được tài trợ bởi các công ty bảo hiểm và một đội làm phim tài liệu truyền hình. Họ cung cấp dịch vụ giải cứu miễn phí cho bất cứ ai có nhu cầu.
Trong số 52 người mà đội của anh đã giải cứu năm đó, anh nhớ trường hợp của Chetana Sahu là khó khăn nhất. Sahu, một cư dân của Kolkata ở Ấn Độ, bị mắc kẹt ở độ cao 8.600 mét với Sherpa của cô và đang nhanh chóng cạn kiệt oxy.
Mất năm giờ để đi từ Trại IV đến vị trí của cô ấy. Mingma tới đó trong ba giờ. Qua radio, anh động viên cô nghĩ tới chồng và các con của mình. Mingma và một Sherpa khác đến nơi lúc 21h và di chuyển suốt đêm để đưa các nạn nhân đến Trại IV lúc 5 giờ sáng.
Hai người vẫn liên lạc với nhau. Tuần trước, Chetana nói với Mingma rằng sinh nhật con gái của cô sắp đến. "Cô ấy nói sẽ kể cho con gái nghe câu chuyện giải cứu của chúng tôi như món quà sinh nhật", anh nói và mỉm cười.
Theo Tuyết Mai/Zing