"Đôi khi tôi thấy chúng giống những củ khoai tây ác quỷ", ông James Maclaine, giám tuyển phụ trách danh mục các loài cá tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London, chia sẻ với Guardian khi nói về loài cá vây chân.
Cá vây chân là một bộ gồm nhiều loài sinh sống ở đáy đại dương, nơi không có ánh sáng. Đặc điểm nhận dạng của chúng là một cái vòi phát sáng ở đỉnh đầu, xuất phát từ tia vây lưng, có tác dụng như mồi câu dụ con mồi đến gần hàm răng sắc nhọn. Chính vì lẽ đó nên chúng được gọi là "anglerfish" trong tiếng Anh, do angler nghĩa là cần câu.
Nếu vẻ ngoài của chúng vốn gây tò mò, thì phương pháp sinh sản của một số loài trong bộ này thậm chí còn kỳ lạ hơn. Nó được các nhà khoa học gọi là ký sinh tình dục.
Bộ cá vây chân bao gồm khoảng 170 loại đã được khoa học biết tới, chủ yếu sống ở độ sâu từ 1.000 đến 4.000 m dưới đáy đại dương.
"Không nhóm động vật có xương sống nào có thể sánh được với cá vây chân về sự đa dạng và số lượng ở độ sâu như vậy", ông Maclaine nói thêm.
Khi nhìn thấy một con cá vây chân cái được các con cá nhỏ hơn bám vào, các nhà khoa học ban đầu cho rằng đây là những con cá non bám vào cá mẹ.
Những con cá nhỏ không bám vào con cái nào thì được cho là thuộc về một loài khác trong bộ cá vây chân. Nhưng trong cả hai trường hợp, những cá thể nhỏ hơn này đều là những con đực, thuộc các loài cá vây chân đã được phát hiện.
|
Một con cá vây chân đực bám vào phần bụng của con cái. Ảnh: New York Times.
|
Ở một số loài cá vây chân, bao gồm cả loài cá bóng đá rất hiếm gặp (Himantolophus melanolophus), con đực nhỏ hơn sẽ đi tìm con cái và ngoạm chặt vào bạn tình. Chúng sẽ đợi cho đến khi con cái đẻ trứng để thụ tinh vào đó rồi tiếp tục đi tìm con cái khác.
Trong khi đó, đối với một số loài khác trong bộ cá vây chân, sự gắn kết này là vĩnh viễn. Ở loài cá quỷ biển ngắm sao (Ceratias uranoscopus) và cá quỷ biển ba cánh (Cryptopsaras couesii), sau khi con đực bám vào con cái, các mô cơ thể của chúng sẽ hợp nhất và không bao giờ tách ra. Sau khi quá trình này hoàn thành, con đực mới phát triển cặp tinh hoàn và chính thức trưởng thành về mặt sinh sản.
"Con đực sẽ ở đó, kết nối với con cái và hút chất dinh dưỡng trong máu của con cái, như một con ma cà rồng nhỏ", ông Maclaine so sánh. Câu chuyện tình yêu kinh dị này lần đầu tiên được ghi lại trong tự nhiên vào năm 2018.
Một nghiên cứu năm 2020 phát hiện rằng, để chấp nhận những người bạn trai ăn bám của mình, cá vây chân cái bằng cách nào đó đã tắt đi, hoặc thậm chí từ bỏ hoàn toàn, các bộ phận trong hệ miễn dịch của chúng.
Bằng cách thay đổi các gen liên quan đến việc phát hiện các tế bào lạ, bao gồm cả với tế bào tạo ra khá thể, cơ thể con cái không tìm cách thải loại các con đực đang ở nhờ, và chấp nhận những con đực này như một phần của cơ thể chúng.
Theo Hương Hảo/Zing