Đột nhập làng nuôi mãng xà độc nhất Thủ đô Hà Nội

Google News

Những ổ rắn hổ mang nhung nhúc đủ kích cỡ, con nào con nấy da bóng nhẫy, chỉ cần cú chạm nhẹ và sơ sẫy là chúng có thể lao ra tấn công, sát thương người nuôi bất cứ lúc nào. Nguy hiểm là vậy, nhưng ít ai biết rằng đó lại là nghề truyền thống lâu đời ở làng Lệ Mật (Hà Nội).
 

Vào “động” rắn
Chuồng nuôi rắn được người dân ở làng Lệ Mật (phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội) xây dựng rất kín đáo, bịt kín toàn bộ bằng những khối xi măng nhỏ. Nơi con người giao tiếp với loài rắn chỉ là tấm cửa lưới mỏng bằng bàn tay được chốt cẩn thận.
Mở cửa chuồng bằng tay không, anh Kim Văn Tình (SN 1996), chia sẻ, do thời tiết nắng nóng, lại đang vào mùa sinh sản nên loài rắn càng trở nên dữ tợn hơn rất nhiều so với thời điểm khác. Chuồng trại của rắn hổ mang cũng phải thiết kế đặc biệt, kiên cố và kín đáo hơn vì loài này rất khỏe và hung dữ.
Anh Tình chia sẻ thêm, việc làm động cho rắn nghe có vẻ cầu kì nhưng thực chất lại rất đơn giản. Động rắn chỉ là hình chữ nhật được làm bằng xi măng, ngăn ra làm nhiều khoang nhỏ hơn.
Dot nhap lang nuoi mang xa doc nhat Thu do Ha Noi
 Anh Kim Văn Tình kẹp con rắn hổ mang một cách thuần thục và điệu nghệ.

Được biết, rắn hổ mang là loài ít bệnh tật, nếu nắm bắt được kỹ thuật thì rất dễ nuôi. Rắn thường cặp đôi vào tháng 3, tháng 4, sinh sản mỗi năm một lứa vào tháng 4 hoặc tháng 5. Rắn thường rất hung dữ trong quá trình đẻ trứng, nhất là vào những mùa nắng nóng, nếu không cẩn thận thì người nuôi dễ mất mạng như chơi.
Sống chung với "tử thần"
Làng Lệ Mật sau làng nghề nuôi rắn có bề dày hàng nghìn năm tuổi, được mệnh danh là sống chung với tử thần ấy lại chất chứa biết bao câu chuyện vui buồn, thấm đẫm nước mắt.
Trao đổi với PV, ông Trương Bá Mao (SN 1961) người đã có hơn 45 năm kinh nghiệm với nghề nuôi rắn độc cho biết: “Từ đời ông nội tôi đã có nghề săn bắt và nuôi rắn rồi. Trước kia người dân Lệ Mật chủ yếu buôn bán rắn bắt được từ hoang dã để giết thịt và ngâm rượu thuốc. Sau này, do nhu cầu nhiều nên người dân mới mở thành các trang trại nuôi rắn, phục vụ cho các nhà hàng dịch vụ”.
Theo ông Mao, công việc nuôi rắn vô cùng nguy hiểm. Lúc nào ông cũng phải căng dây thần kinh để xử lý từng chi tiết khi tiếp xúc với rắn. Chỉ cần một sơ suất rất nhỏ thôi là người nuôi có thể bỏ mạng bất cứ lúc nào. Bởi nọc của rắn hổ mang có độc tính cực mạnh và phát tán rất nhanh.
Trong thời kì rắn lột xác, người nuôi phải bắt từng con một vạch mồm ra để nhét thức ăn: chuột, ếch, gà con, trứng sống... vào miệng chúng. Nói thì đơn giản, nhưng cũng vì công việc cho rắn ăn mà nhiều người ở làng Lệ Mật đã mất oan mạng sống.
Bình thường thì rắn hổ mang rất hiền, thậm chí ông Mao có thể vuốt ve chúng như thú cưng. Nhưng chỉ cần một sơ suất khiến chúng lầm tưởng rằng mình đang công kích thì không thể lường trước hậu họa. Đối với ông Mao, điều này chẳng khác gì một cuộc cân não, cân sức không hơn không kém.
Gần 45 năm gắn bó với loài động vật máu lạnh, những chuyện mà người ngoài chứng kiến, tận tai nghe phải rợn tóc gáy thì ông Mao lại dửng dưng, coi đó là chuyện thường như cơm bữa.
Theo Thái Hà/Lao động trẻ