Dự báo lũ: Công nghệ khó, chuyên môn yếu

Google News

(Kiến Thức) - Các chuyên gia cho biết, công nghệ dự báo lũ vốn đã khó, các yếu tố con người tác động làm cho sai số này tăng cao.

Cảnh báo chỉ để tham khảo
GS.TS Ngô Đình Tuấn, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Tài nguyên nước và Môi trường Đông Nam Á cho biết, độ chính xác của dự báo lũ tùy thuộc vào thời gian dự kiến của dự báo và vị trí dự báo. Càng dự báo dài hơn so với thời gian tập trung nước trên lưu vực, thì độ chính xác, độ tin cậy cũng giảm theo. Thông thường, nhận định/dự báo xu thế, mức độ, diễn biến lũ tại khu vực, lưu vực sông hoặc vị trí cụ thể trong 12 - 24 giờ. So sánh với các cấp báo động lũ, trận lũ đặc biệt lớn xảy ra trong thời gian gần nhất hoặc lũ lịch sử.
Cũng theo GS.TS Ngô Đình Tuấn, quy định thì dự báo quá trình lũ cho khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên từ 3 - 12 giờ, có thể kéo dài đến 24 giờ đối với các sông lớn; cho các sông ở Bắc Bộ 6 - 48 giờ tùy từng vị trí (ở thượng lưu lưu 24 giờ, hạ lưu 48 giờ); sông Cửu Long trước 5 ngày. Mức đảm bảo khoảng 70 - 80% so với sai số thống kê. 
Do các sông ở miền núi, Trung Bộ và Tây Nguyên ngắn, dốc, lưới trạm khí tượng thủy văn thưa, dự báo mưa số trị còn hạn chế, tác động của các hồ chứa thủy điện, rừng bị tàn phá và sự thay đổi nhanh chóng của các điều kiện mặt đệm nên thời gian dự kiến ngắn chỉ từ 3 - 6 giờ. Cảnh báo lũ từ các hình thế thời tiết điển hình gây mưa sinh lũ trước 1 ngày nhưng bản tin này mang tính chất cảnh báo, chỉ để tham khảo. 
Thực trạng cảnh báo lũ đã thế, mà độ tin cậy của dự báo đối với hạ lưu các sông bị ảnh hưởng vận hành của hồ chứa thủy điện phụ thuộc phần lớn vào thông tin xả lũ của hồ chứa. Nếu không có thông tin xả hoặc các thông tin xả không chính xác thì chất lượng dự báo không bảo đảm.
 Do bị cắt điện nên cảnh báo qua ti vi, loa đài truyền thanh gần như tê liệt tại những vùng mưa lũ.  
Thông tin đến sau mưa lũ
Các chuyên gia cho rằng, đáng nói là dù đã được cảnh báo sớm về mưa lũ từ 1 - 1,5 ngày và các ban phòng chống bão lũ ở địa phương đều xác nhận các cảnh báo này, nhưng vấn đề thông tin mưa lũ đến người dân tại các địa phương là câu chuyện phải bàn. Nhất là trong thực tế miền Trung, sông ngắn, hẹp, dốc mà mưa lũ lớn thường xuyên xảy ra, có khi mưa chưa đầy 2 giờ lũ đã lên. Rồi khi mưa bão thì bị cắt điện nên cảnh báo qua ti vi, loa đài truyền thanh gần như tê liệt tại những vùng mưa lũ.  
GS Vũ Trọng Hồng, Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng, vấn đề này là khó bởi chúng ta thiếu những chuyên gia giỏi vừa toán học vừa thủy văn học vừa thủy lực. Có nhiều nhà thủy văn thủy lực nhưng kết hợp với toán thì rất hiếm. Thứ hai là thông số trên mặt mà lũ tràn qua đã thay đổi, phải đi đo đạc mất nhiều thời gian. Số tiền để đầu tư công nghệ cho ra con số dự báo chính xác sẽ rất lớn.
Theo TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, thủy điện xã lũ vấn đề chính là xả lũ có đúng lúc không. Các nhà quản lý công trình thủy điện không bao giờ muốn xả lũ trước khi bão về dù được khuyến cáo. Họ không chịu xả lũ sớm vì sợ không đủ nước trong hồ chứa, nhất là dự báo khí tượng không bảo đảm chính xác. Khi mưa lũ lớn hơn năng lực tràn của đập thì họ buộc xả bớt lượng nước trong hồ. Trường hợp này sẽ tác động đến dòng chảy lũ ở hạ lưu. 
Các chuyên gia cho rằng, việc nâng cao năng lực dự báo mưa lũ; bổ sung các trạm đo mưa với mật độ dày hơn để có các thông số chính xác hay trang bị những phương tiện truyền thống như trống, chiêng cùng phối hợp mật thiết của chính người dân địa phương trong truyền tin báo xả nước hồ thủy điện cũng được đặt ra một cách cấp bách với các chính quyền cấp cơ sở tại khu vực này.
Bảo Khánh